Bạn cần quan tâm đến những chỉ số kinh tế nào?

(Dân trí) - Trong nhiều năm qua, các nhà kinh tế đã tận dụng mọi thứ kể từ doanh số bán quần lót nam giới cho đến số lượng taxi chờ khách nhằm dự đoán tương lai của nền kinh tế. Và vì thế, các chỉ số xuất hiện đầy rẫy trên thị trường.

Nhưng cuộc khủng hoảng vừa qua đã làm đảo lộn cách nhìn của họ đối với những chỉ báo quen thuộc. Những con số mà vài năm trước đây được xem như có khả năng tiên tri giờ đã trở thành một sự thất bại.

Ngược lại, một vài chỉ số đóng vai trò mờ nhạt trong quá khứ lại đang là tâm điểm thu hút sự chú ý. Trong tình thế bất ổn đang ngự trị như hiện nay, các chỉ số cơ bản như niềm tin người tiêu dùng và giá cổ phiếu lại thường không tìm được sự thống nhất.

Vì vậy, Fortune đã thực hiện một cuộc điều tra phi học thuật với đối tượng là các nhà kinh tế cũng như một số nhà dự báo khác, từ đó xác lập một danh sách chính thức các chỉ số kinh tế “đáng chú ý” và ngược lại, cùng với những chỉ số kinh điển luôn luôn có vai trò quan trọng.

Danh sách “đáng chú ý”

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Viện quản lý nguồn cung (ISM) đang là ngôi sao sáng được chú ý nhất. Bernard Baumohl, kinh tế gia trưởng của “Nhóm triển vọng kinh tế” (The Economic Outlook Group) nhận xét: “Đó là nhóm chỉ số rất tốt, một trong những công cụ tốt nhất hiện nay”.

Bản điều tra xây dựng chỉ số này dựa trên thông tin về đơn đặt hàng mới, sản lượng, số lượng công nhân tuyển dụng và hàng tồn kho cũng như một số tiêu chí khác.

Andrew Busch, nhà chiến lược về tiền tệ toàn cầu và chính sách công của BMO Capital Markets, cho rằng chỉ số của ISM “có một thành tích tốt trong việc dự báo tình hình tăng trưởng và việc làm”.

Dữ liệu của ISM được cập nhật hàng tháng, công bố vào ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp sau, vì vậy nó không bao giờ cũ.

Mức chênh lệch tín dụng (credit spreads) cũng là thông số được tham khảo rất nhiều. Dù có thể không phản ánh được nhiều về tổng quan nền kinh tế, song nó đại diện rất tốt cho những biến động của khu vực tài chính.

Ông Busch thường theo dõi khoảng chênh lệch giữa lãi suất LIBOR 3 tháng và hợp đồng hoán đổi chỉ số qua đêm, ông cho rằng con số đó chỉ ra rằng có bao nhiêu “người chơi” trong thị trường vốn sẵn lòng tin tưởng lẫn nhau. “Nếu chênh lệch gia tăng, nghĩa là các bên đang e ngại giao dịch với nhau” - Busch nói.

Số liệu việc làm được nhiều nhà kinh tế cho là quan trọng nhất, tuy nhiên nó lại là thông tin thường bị đính chính nhất. Vì thế nên sử dụng thông tin này theo cách xác định xu hướng của tình hình việc làm dựa vào dữ liệu 6 tháng liền trước.

Tất cả các dữ liệu được cập nhật hàng tuần. Các nhà kinh tế học thường chê bai những chỉ số kinh tế chính như GDP hay một số chỉ báo kinh tế quan trọng khác không mang lại nhiều thông tin mới.

Busch nói: “Thị trường biến động rất nhanh chóng nên bạn không thể chờ đến khi số liệu về GDP hay tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng được công bố. Bạn phải dự đoán trước những điều đó”.

Các chỉ số không đáng chú ý:

Giá cả hàng hóa nguyên liệu. Chỉ báo này đã bị “thất sủng” thảm hại trong thời gian qua. Tác dụng thực tế của nó là phản ánh cầu về các loại hàng hóa cụ thể, song nhiều khi nó đã bị giới đầu cơ bóp méo.

Giám đốc điều hành của ITG - bà Robert J. Barbera nói: “Nửa đầu năm 2008, nhiều nhà kinh tế khăng khăng rằng “suy thoái không thể xảy ra, giá cả hàng hóa vẫn rất vững chắc”. Nhưng trên thực tế vào thời điểm đó, chúng ta đã lâm vào suy thoái được 6 tháng”.

Dữ liệu về nhà đất. Năm 2007, số liệu này được coi như “chỉ báo quyết định việc chúng ta sẽ đi đến đâu” - theo lời Keith Hembre, chiến lược gia đầu tư của FAF Advisors.

Sau đó những chỉ số về nhà đất như doanh số, số nhà xây mới, số được cấp phép đều tiếp tục leo thang mà không có động lực cơ sở là sự cải thiện của tình hình việc làm cũng như lương bổng.

Trong trường hợp này, xu hướng đi lên của các chỉ số bất  động sản không đại diện cho sự phát triển của nền kinh tế, nó chỉ cho thấy bong bóng đang hình thành. Hiện nay, các nhà kinh tế hầu như chỉ chú ý đến số đơn xin thế chấp hàng tuần.

Những chỉ số kinh điển

GDP là “mẹ của tất cả các chỉ số kinh tế” - theo Baumohl, đơn giản bởi nó bao hàm mọi yếu tố khác. Tuy nhiên GDP thường đã mất đi tính “mới” khi nó được công bố, và do đó làm giảm ý nghĩa dự đoán tương lai của chỉ số này.

Dù vậy, GDP vẫn  được coi trọng đến mức có thể làm cho ai đó nhìn thấy con số này gia tăng trong tình hình suy thoái sẽ đưa ra một chính sách hoàn toàn sai lầm - có thể là nâng lãi suất chẳng hạn.

Đường cong lãi suất, theo Ritholtz, là “cha của các chỉ số kinh tế khác”. Ritholtz nói ông rất kinh ngạc khi thấy, vào năm 2007, sự đảo chiều của đường cong lãi suất không được mọi người xem như dấu hiệu của một cuộc suy thoái tại Mỹ.

Thay vào đó, nhiều người nghĩ rằng lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn bị giữ ở mức thấp là  cho ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng mua vào.

Hiện tại, Ritholtz nhận thấy đường cong đang hướng lên rất mạnh phù hợp với sự hồi phục của ngành tài chính.

Chú thích: đường cong lãi suất biểu thị mối quan hệ giữa lãi suất và thời hạn của khoản nợ (hay của trái phiếu). Đường cong được coi là bình thường khi lãi suất tăng dần với thời hạn trái phiếu dài hơn, nếu có dạng dốc đứng sẽ báo hiệu một thời kỳ bùng nổ kinh tế (hoặc sau suy thoái), dạng đường thằng cho thấy nền kinh tế đang bất ổn, và dạng đảo chiều biểu thị nền kinh tế đang đi xuống - ND.

Hoàng Sơn
Theo Fortune