Bán bao nhiêu tấn vàng mới giảm chênh lệch giá?

Theo số liệu công bố, có đến 60 tấn vàng đã được NHTM mua vào để bù trạng thái thiếu hụt và vẫn còn thiếu tới 20 tấn nữa. Đã có hơn 18 tấn vàng được đưa ra thị trường thông qua đấu thầu nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ cho sự thiếu hụt của riêng NHTM.

Vàng đã rút dần về quang mốc 40 triệu nhưng người dân không còn nháo nhác, chen lấn xếp hàng mua vàng trong thời gian qua. Một mặt người dân còn e ngại những rủi ro, cũng như lo sợ khoảng cách chênh lệch giá sẽ biến mất khi thị trường đi vào khuôn khổ khiến cho tâm lý đầu cơ đang giảm đi.

Tăng cung mà chưa giảm giá?

Theo một số chuyên gia kinh tế, có 3 yếu tố chi phối và tác động thị trường là do cung, cầu và giá. Riêng đối với vàng yếu tố cung - cầu tác động rất mạnh đến thị trường chứ không phải đến từ yếu tố chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Chính cung - cầu mới là ngòi nổ cho tình trạng bán tháo hay rồng rắn lũ lượt mua vàng. Tuy nhiên, thời gian qua, nếu tố giá đã bị quan hệ cung - cầu làm cho lu mờ và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Quan điểm của NHNN là chỉ bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Mục tiêu quản lý và bình ổn thị trường mà NHNN đang hướng tới đã nằm trong nội hàm bình ổn giá vàng trên trị trường nội địa, nghĩa là không có hỗn loạn, gây nên những cơn sốt, ai có nhu cầu vàng, ai cần mua vàng thì sẽ có vàng để mua, do đó yếu tố đầu cơ sẽ bị đẩy lùi.

Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tăng cung để ổn định thị trường.

Bán bao nhiêu tấn vàng mới giảm chênh lệch giá?

Tuy nhiên, sau 19 phiên đấu thầu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, có 18,3 tấn vàng được bán ra, nhưng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa thu hẹp.

Nhiều người đặt câu hỏi về giá chênh lệch vàng miếng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Liệu đó có phải là do cung -cầu hay một yếu tố khác?

Theo lãnh đạo một NH cổ phần đang tham gia đấu thầu mua vàng: "Đây vẫn là câu chuyện nguồn cung chưa đủ để đáp ứng khi mà lực cầu vẫn còn rất lớn. Áp lực cầu tăng cao đến từ nhu cầu cần vàng miếng để tất toán các trạng thái huy động vàng trước đây của các NHTM trước ngày 30.6".

Theo số liệu công bố, có đến 60 tấn vàng đã được NHTM mua vào để bù trạng thái thiếu hụt và vẫn còn thiếu tới 20 tấn nữa. Đã có hơn 18 tấn vàng được đưa ra thị trường thông qua đấu thầu nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ cho sự thiếu hụt của riêng NHTM, chưa tính đến nhu cầu của thị trường tăng cao khi mà giá thế giới đã rớt thê thảm và xuất hiện tâm lý "bắt đáy" của người đầu tư như vừa qua".

Ngoài ra, nguyên nhân chênh lệch giá vàng tăng thời gian gần đây còn khởi nguồn từ việc giá thế giới rơi quá nhanh trong khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, mặc dù giá vàng quốc tế xuống rất thấp, nhưng giá USD lại khá ổn định, vì vậy giá vàng thế giới quy đổi càng thấp hơn so với giá trong nước nên mức chênh lệch lại càng dãn ra.

Thực tế, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra thông điệp tăng cung, bình ổn thị trường chứ chưa đề cập tới chuyện bình ổn giá. Cơ quan này vẫn lấy giá thị trường để tham chiếu cho các phiên đấu thầu. Lượng cung tăng ra chủ yếu nhằm giải quyết dứt điểm nhu cầu tất toán trước 30/6.

Dường như, các tín hiệu đó khiến thị trường hiểu rằng hiện chưa tới thời điểm kéo sát giá trong nước về với thế giới.

Thời điểm giải tỏa

Ai cũng thấy giá đấu thầu vừa qua là cao nhưng sẽ là giá hấp dẫn nếu như NHTM đã bán vàng ra trước đây ở mức cao hơn nhiều và bây giờ chỉ mua vào để bù sự thiếu hụt trạng thái này.

Ngược lại, những tổ chức đã bán vàng ra ở mức 38-39 triệu/lượng và bây giờ phải mua vào qua đấu thầu 41-42 triệu/lượng thì sự thua lỗ hàng trăm tỉ cũng là điều dễ hiểu.

Thị trường vàng luôn có những quy luật khắc nghiệt của nó. Nhìn lại sau 19 phiên đấu thầu do NHNN tổ chức, từ mức chênh 2,8 triệu đồng/lượng trước phiên đấu thầu đầu tiên, đến ngày đấu thầu thứ nhất (tháng 3/2013) mức chênh là 3,1 triệu đồng/lượng.

Sau đó, mức chênh ngày càng gia tăng. Theo nhận định của các chuyên gia, chu kỳ tăng giá 12 năm có thể đã chấm dứt, nhu cầu trong nước cũng giảm một nửa, mục tiêu kéo sát giá trong nước về với thế giới vì thế sẽ khả thi hơn.

Kéo sát giá trong nước về sát giá thế giới là một yêu cầu được nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra với Ngân hàng Nhà nước. Vì thế câu chuyện không phải là có muốn kéo hay không?. Nhưng có thể kéo được hay không?.

Dự đoán lực cầu trong nước thời gian tới sẽ giảm, ít nhất là cắt được nhu cầu mua tất toán của các ngân hàng thương mại. Hàng chục tấn này được họ trả cho dân, cũng có nghĩa giúp tăng cung ra thị trường.

Sau 30/6, các ngân hàng có muốn đầu cơ cũng không được vì bị giám sát chặt về trạng thái vàng (không được để âm và cũng không dương quá 2% so với vốn tự có). Bài học thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vì đầu tư kinh doanh vàng vẫn còn đó, các ngân hàng cũng không dễ làm liều.

Một khi áp lực cầu được giải tỏa, Ngân hàng Nhà nước đủ lực tăng cung, giá được dự đoán sẽ giảm và về sát với thế giới.

Thị trường một thời gian dài thiếu cung. Việc liên tục tổ chức các phiên đấu thầu cũng là hợp lý. Mặt khác, có thể qua nhiều phiên tăng cung như vậy Ngân hàng Nhà nước đã tạo cơ sở tiến dần đến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá. Khi cung - cầu dần được cân bằng, thị trường hoạt động ổn định hơn, giá thấp dần thì chênh lệch cũng sẽ dần thu hẹp.

Nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn hy vọng sau khi các phiên đấu thầu được tổ chức, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ không còn vênh quá lớn nữa.

Thị trường vàng thời gian dài vừa qua phát triển một cách tự phát và bị méo mó. Và cơ quan quản lý đã có những can thiệp hành chính để tạo ra khuioon khổ quản lý và chuyển biến cho thị trường. Tuy nhiên, khi đã can thiệp hành chính, thị trường sẽ có những hiệu quả tức thì, nhưng về mặt lâu dài cần điều hành thị trường vàng vận hành theo quy luật của thị trường để có sự cân bằng và ổn định dài hạn.

Theo Khôi Nguyên
VEF