Sóc Trăng:
Bán 5kg hành tím đặc sản chưa mua nổi tô phở: Đã "giải cứu" được gần 30 tấn
(Dân trí) - Chỉ sau hai ngày Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kêu gọi "giải cứu" hành tím cho nhà nông ở thị xã Vĩnh Châu, hiện đã có 30 tấn hành được đăng ký mua để rời ruộng đến với người tiêu dùng.
Ngày 21/4, ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), cho biết, sau 2 ngày có công văn của Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi ủng hộ tiêu thụ hành tím, đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký mua được khoảng 30 tấn hành, góp phần giải quyết phần nào nỗi lo cho nhà nông.
"Chúng tôi cám ơn sự chung tay của mọi người trong việc chia sẻ, tiêu thụ hành tím của nông dân. Tuy nhiên, sản lượng hành tím vẫn còn tồn đọng khá lớn. Nếu để càng lâu, tiêu thụ chậm, hao hụt sẽ không dưới 20%, bà con thiệt hại càng lớn.
Trước mắt, chúng tôi ưu tiên tiêu thụ hành tím của hộ nghèo, hộ khó khăn, không có điều kiện dự trữ hành với giá mua khoảng 15.000 đồng/kg trở lên", ông Thắng nói.
Ghi nhận của Dân trí cho thấy tại xã Vĩnh Hải và phường 2 (thị xã Vĩnh Châu), nhiều đống hành tím được người dân để bên đường chờ thương lái đến mua. Một số diện tích hành đã đến tuổi nhưng người dân vẫn không mặn mà thu hoạch.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã có công văn về việc kêu gọi, vận động ủng hộ tiêu thụ hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng).
Công văn nêu rõ: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay sản lượng hành tím trên địa bàn thị xã còn tồn đọng trên 50.000 tấn, nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ gây hư hỏng, thiệt hại kinh tế cho người sản xuất hành".
Từ đó, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đề nghị thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các địa phương vận động tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ số lượng hành tím còn tồn đọng ở địa phương này.
Tổ chức, cá nhân mua hành ủng hộ có thể liên hệ tại Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu; hoặc trực tiếp là ông Mã Chí Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, số điện thoại: 0939.231.868.
Bà Tăng Thị Phôl (người dân tộc Khmer, ngụ phường 2) cho biết, gia đình đã thu hoạch 3 công hành tím, trên 2 tháng nay vẫn chưa bán được.
"Tôi thu hoạch được trên 5 tấn. Lúc đó thương lái trả 5.000 đồng/kg tại ruộng, bán sẽ lỗ nặng nên tôi lấy rơm, phủ bạt trữ lại chờ giá. Vậy mà hơn 60 ngày trôi qua, giá hành tím vẫn dậm chân tại chỗ, không có ai hỏi mua. May ở thị xã Vĩnh Châu chưa có mưa, nếu không hành sẽ bị hư rất nhiều", bà Phôl chia sẻ.
Gần ruộng của bà Phôl, ông Tăng Pha (một hộ dân trồng hành tím) cho biết, chi phí trồng một công hành tím khoảng 20 triệu đồng. Nếu năng suất khoảng 1,7 tấn/công, giá bán tại ruộng 5.000 đồng - 7.000 đồng/kg thì người trồng bị lỗ 10 triệu đồng.
"Vụ hành tím năm trước giá dao động từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Năm nay giá hành lại rẻ chưa từng có. Tiền thuê người thu hoạch, bó hành cũng không rẻ chút nào. Tôi rất lo lắng không biết làm sao để bán hết 9 tấn hành tím của mình", ông Pha bày tỏ.
Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, thông tin, vụ mùa năm nay nông dân Vĩnh Châu trồng hành tím trên 5.400 ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá hành giảm mạnh, khiến bà con lao đao.
Như Dân trí đã phản ánh, hiện nay tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) còn hơn 50.000 tấn hành tím tồn đọng chưa thể tiêu thụ. Giá hành đã gia công vào bao lưới từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, còn đối với hành xù (hành chưa cắt, còn ngoài ruộng) được trồng trên đất cát chỉ có giá từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, trồng trên đất ruộng từ 9.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.
Với giá hành tím trung bình từ 6.000 đồng đến 9.000 đồng/kg như vậy, nông dân lỗ nặng. Bởi giá giống, phân, thuốc... đều khá cao, nên giá hành tại ruộng phải từ 15.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có ăn.
Nhiều nông dân trồng hành tím tại Vĩnh Châu đang như "ngồi trên đống lửa" vì giá hành xuống thấp kỷ lục. Nhiều gia đình không có vốn để làm vụ hành mới, không có kho trữ hành, hoặc phải thanh toán tiền phân, thuốc nên đành phải ngậm ngùi "bán tháo" hành với giá thấp.