"Bài toán" kinh doanh mới của Jollibee ở Việt Nam

Kinh doanh nhượng quyền (Franchise) trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) không chỉ sôi động với các nhà đầu tư ngoại mà là mô hình đang thu hút các nhà đầu tư trong nước.

Khi các “ông lớn” trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống cùng nhượng quyền

Có mặt tại VN sớm nhất, các thương hiệu thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Subway và gần đây là Jollibee đều lên kế hoạch nhượng quyền. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu vẫn tự mở cửa hàng kinh doanh hoặc nhượng quyền cho một đối tác lớn, có tên tuổi lớn độc quyền khai thác và những đơn vị này đến nay chưa nhượng quyền thứ cấp cho đối tác trong nước.

Đơn cử Gloria Jean’s Coffee nhượng quyền cho Công ty Phong cách Sống Việt Nam, Domino’s Pizza, Burger King, Popeyes Chicken nhượng quyền cho công ty do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch và Starbucks đã chọn tập đoàn Hongkong Maxim's Group làm đơn vị nhượng quyền khi vào Việt Nam hoặc McDonald’s chọn ông Nguyễn Bảo Hoàng.

Trong khi đó, một số thương hiệu lại chọn cách nhượng quyền cho nhà đầu tư cá nhân, đơn cử như Caffe Bene và mới đây nhất là Jollibee. Chia sẻ về hướng đi nhượng quyền này, bà Trần Thị Lan Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Jollibee Foods, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jollibee Việt Nam cho biết: “Sở dĩ chúng tôi nhượng quyền cho các nhà đầu tư riêng lẻ bởi chúng tôi muốn trao cơ hội kinh doanh nhiều tiềm năng này cho nhiều người có tiềm năng, cùng chung giá trị và yêu thích thương hiệu Jollibee được hưởng chung những giá trị và lợi nhuận mà Jollibee đang có được”.

Theo mô hình nhượng quyền cho các nhà đầu tư cá nhân, Jollibee Việt Nam sẽ cung cấp phần mềm quản lý cần thiết, các hệ thống máy móc, thiết bị vật dụng, nguyên liệu và hàng hóa để chế biến thức ăn nhanh và đồng nhất cho các nhà đầu tư nhận franchise. Ngoài ra, Jollibee còn cung cấp các chương trình đào tạo giúp đội ngũ nhân viên trở nên chuyên nghiệp, cũng như hỗ trợ được tham gia vào mạng lưới truyền thông và hoạt động tiếp thị của Jollibee Việt Nam.

Một trong những cửa hàng điển hình theo thiết kế của Jollibee
Một trong những cửa hàng điển hình theo thiết kế của Jollibee

Những tiềm năng mô hình franchise đem lại cho nhà đầu tư

Theo đánh giá của Jollibee, thị trường Fast food tại VN dù được nhiều người cho rằng rất cạnh tranh nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng và nhu cầu thức ăn nhanh của người dân vẫn tăng. Trung bình, doanh thu của Jollibee tại VN vẫn tăng trưởng đều 20-35% mỗi năm.

Bà Lan Anh cho biết, dù mới xúc tiến giới thiệu việc nhượng quyền được gần một tháng nay nhưng hãng đã nhận được yêu cầu nhận nhượng quyền kinh doanh của khoảng 120 đối tác. Phía Jollibee không chạy theo số lượng, chỉ ưu tiên những đối tác có sẵn vị trí phù hợp, nguồn lực tài chính ổn định cũng như có cùng chí hướng phát triển giá trị thương hiệu để có thể tham gia kinh doanh nhượng quyền.

Cũng theo chia sẻ từ đại diện Jollibee, để mở một cửa hàng dưới tên thương hiệu của hãng gồm cả máy móc thiết bị vận hành để đi vào hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm địa điểm kinh doanh), nhà đầu tư cần có số vốn từ 4,5-5 tỉ đồng với thời gian hoạt động của giấy phép trong vòng 5 năm.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Jollibee Foods, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jollibee Việt Nam
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó chủ tịch Tập đoàn Jollibee Foods, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jollibee Việt Nam

Thực tế, việc nhượng quyền thương hiệu giúp giảm gánh nặng chi phí mở cửa hàng và giúp thương hiệu phát triển nhanh hơn, tuy nhiên đi kèm nó là bài toán quản trị. Chi phí phục vụ cho việc quản lý, giám sát hoạt động các chuỗi cửa hàng sẽ tăng lên đáng kể. Một khó khăn lớn khiến bên nhượng quyền lo ngại hiện nay là các nhà đầu tư rất ít khi thực hiện đúng cam kết về công nghệ và kỹ thuật được bàn giao, đồng thời việc bảo mật công nghệ rất kém.

Mặt khác, hệ thống cơ quan quản lý thị trường ở Việt Nam chưa có nhiều chế tài bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nên đó là lý do các đơn vị khi nhận nhượng quyền đều e ngại mở rộng chuỗi nhà hàng nhượng quyền cho các đơn vị thứ cấp mặc dù tiềm năng thị trường còn dồi dào.

Dù tất cả khó khăn đều được nhìn thấy, nhưng Jollibee vẫn chọn hướng Franchise cho các nhà đầu tư có năng lực, bởi theo bà Lan Anh, Jollibee có bộ máy quản trị tốt, hơn nữa, điểm lợi của hướng đi này là giúp Jollibee mở rộng sự kết nối với nhiều đối tác và đem lại cơ hội để Jollibee đến với khách hàng nhiều hơn.

PV