1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bài toán chưa từng có tiền lệ mà Hoàng Anh Gia Lai phải đối mặt

Mai Chi

(Dân trí) - Việc hồi tố số liệu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của HAGL gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đây lại là một bước đi để HAGL giải quyết vấn đề chưa từng có: cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Quá lạc quan về cây ăn trái

Trong ngày 26/11, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021. Trong một động thái liên quan, HAGL cũng có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) giải trình về việc hồi tố số liệu tại báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2020.

Thể hiện trong BCTC đã kiểm toán năm 2020 của HAGL, thời điểm cuối năm 2020, HAGL ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 6.302 tỷ đồng. Bản báo cáo này cũng cho thấy, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2019 là hơn 5.046 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên BCTC kiểm toán năm 2019 của HALG thì lại cho thấy, công ty có lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 290,8 tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa hai con số về lãi (lỗ) lũy kế của HAGL thời điểm cuối 2019 đã gây xôn xao trong giới tài chính.

Bài toán chưa từng có tiền lệ mà Hoàng Anh Gia Lai phải đối mặt - 1

(Nguồn: HAGL).

Đồng thời, việc hồi tố cũng đã liên đới và tạo nên những xáo trộn nhất định về số liệu kết quả kinh doanh của HAGL của kỳ trước đó. Cụ thể, trước khi hồi tố, năm 2017, HAGL ghi nhận lãi sau thuế 371,6 tỷ đồng; năm 2018 là 6,2 tỷ đồng và sang năm 2019 lỗ 1.808,8 tỷ đồng.

Sau hồi tố, số liệu năm 2017 điều chỉnh thành lỗ 3.652,3 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 927 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 1.908,7 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình, HAGL cho biết, tại thời điểm lập BCTC cho các năm 2017, 2018 và 2019 (thời điểm BCTC được kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu), HAGL luôn tin tưởng về khả năng thu hồi của các đối tượng phải thu tồn đọng lớn.

Mặc dù ở thời điểm đó, giá trị vườn cây của các đối tượng phải thu chưa được định giá cao do hầu hết loại cây đều đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản nhưng HAGL luôn tin tưởng vào tiềm năng tạo ra dòng tiền lớn trong tương lai để trả nợ cho HAGL, vì vậy, HAGL tin rằng tài sản của các công ty này có đủ khả năng tạo ra giá trị và dòng tiền đảm bảo khả năng thu hồi của các khoản phải thu.

Các số liệu định giá vào thời điểm các năm 2017, 2018 và 2019 dùng để đánh giá khả năng thu hồi chỉ mang tính thời điểm và nhằm mục đích tham khảo hơn là giá trị giao dịch.

Bên cạnh đó, HAGL cho biết, việc chưa đánh giá được hết bức tranh tài chính về tình hình kinh doanh của các đối tác cũng như chưa thực hiện được việc sắp xếp chi tiết các tài sản đảm bảo tương ứng cho từng khoản phải thu cụ thể để đưa ra con số dự phòng phù hợp là do các hạn chế về thời gian và nguồn nhân lực.

"Chính vì điều này, HAGL vẫn trên quan điểm là các khoản phải thu là hoàn toàn có thể thu hồi được, và không có khoản dự phòng nào cần được trích lập trên BCTC các năm này" - bản giải trình cho hay. Tuy nhiên, cũng do các hạn chế nêu trên, đơn vị kiểm toán là E&Y đã chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các ước tính của HAGL về việc đánh giá khả năng thu hồi của các khoản phải thu.

Theo đó, E&Y đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ do giới hạn phạm vi kiểm toán trên các BCTC trong các năm 2017, 2018 và 2019.

Tránh việc cổ phiếu HAG bị rơi vào diện xem xét hủy niêm yết bắt buộc

Đến năm 2020, do các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng của tập đoàn và đối tác, HAGL đã thực hiện rà soát lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày từ các năm tài chính trước đây.

Theo đó, trên nguyên tắc thận trọng, căn cứ vào các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tác và các khó khăn nói chung trong ngành nông nghiệp đã phát sinh từ những năm trước, HAGL đã xem xét lại cơ cấu tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu tồn đọng và thu thập thêm các thông tin quá khứ về khả năng thanh toán của các đối tác mà trước đây chưa thể thu thập được là do các giới hạn về thời gian và nguồn nhân lực.

"HAGL nhận thấy việc ước tính khả năng thu hồi của các khoản nợ phải thu tồn đọng lâu ngày tại thời điểm lập BCTC các năm trước chưa phản ánh đầy đủ rủi ro tổn thất của các khoản phải thu này. Trên cơ sở đó, HAGL đã điều chỉnh lại dữ liệu tương ứng trong BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2020 liên quan đến dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi lớn trong quá khứ" - Tổng giám đốc HAGL Võ Trường Sơn, cho biết.

Đồng thời, HAGL cũng khẳng định "không có việc phát hành lại các BCTC kiểm toán cho các năm 2017, 2018, 2019. Việc thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu BCTC của các năm này chỉ được thực hiện trong năm 2020 khi các thông tin tài chính được thu thập đầy đủ hơn và HAGL có đủ thời gian và nguồn nhân lực để đánh giá về khả năng thu hồi của các khoản phải thu dựa trên các thông tin sẵn có.

Lãnh đạo HAGL cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết để phản ánh đúng khả năng thu hồi của các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán trong BCTC năm 2020.

Điều quan trọng là việc điều chỉnh hồi tố cũng nhằm mục đích để kiểm toán viên xem xét bỏ ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu, nhằm tránh việc cổ phiếu HAG bị rơi vào diện xem xét hủy niêm yết bắt buộc.

Được biết, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, cổ đông cũng đã thắc mắc về vấn đề này. Giải trình một lần nữa với ĐHĐCĐ, ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL cho biết, chi phí trích dự phòng mang tính hạch toán đánh giá lại khả năng thu hồi tài sản và mang tính thời điểm, nên có thể thời điểm này hoàn nhập kiểu này, thời điểm khác hoàn nhập khác.

"Tôi khẳng định quyền thu nợ công ty vẫn còn chứ chưa từ bỏ quyền thu nợ" - ông Sơn nhấn mạnh. Đồng thời ông Sơn cũng cho biết, theo quy định luật pháp về thuế, HAGL sẽ không kê khai vào các chi phí hợp nhất hợp lệ để chịu thuế. HAGL cũng đã nỗ lực giải trình với cơ quan chức năng về động thái hồi tố trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm