Hậu trường thương vụ MegaStar:
Bài 2 - Ăn trọn miếng bánh lớn
Kế hoạch năm đầu tiên, CJ-CGV sẽ có mặt tại 8 TP lớn: Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ trên toàn quốc.
Bàn đạp bán lẻ trên truyền hình
Từng là thành viên của Samsung, CJ là một thương hiệu khá lớn tại thị trường Hàn Quốc trong lĩnh vực bán lẻ và phân phối. Từ những năm 1990, CJ bắt đầu tách khỏi Samsung, duy trì thế mạnh, đồng thời chú trọng đầu tư vào công nghiệp điện ảnh.
Đến nay, CJ đã xây dựng được tầm vóc của một “ông lớn” trên thị trường truyền thông, giải trí, đặc biệt là phim chiếu rạp, nhượng quyền tại Hàn Quốc với công ty con là CJ-CGV. Với khá nhiều phân nhánh như CJ Entertainment, CJ Media, CJ CGV, CJ HelloVision, CJ Internet, CJ Powercast, CJ Da Genesis... CJ gần như chi phối toàn bộ thị trường truyền thông và giải trí Hàn Quốc.
Báo chí Hàn Quốc đưa tin, kế hoạch mở rộng đầu tư sang thị trường điện ảnh các nước của CJ-CGV đã có từ rất lâu và từng được thông báo với các cổ đông từ tháng 2.
MegaStar chưa thoát khỏi vụ kiện
Các NĐT Envoy chia tay thị trường Việt Nam khi vụ kiện chống độc quyền mà MegaStar dính vào vẫn chưa ngã ngũ. Tất nhiên, giao dịch này không ảnh hưởng gì đến vụ kiện, bởi theo MegaStar, vụ kiện chỉ chống lại MegaStar chứ không chống lại bất kỳ một cá nhân NĐT nào trong công ty và giao dịch này chỉ là thay đổi NĐT.
Việc bây giờ mới cơ bản hoàn tất thương vụ với MegaStar đã là khá trễ so với với định hướng của CJ-CGV bởi việc đặt chân đến Mỹ tại Koreatown, Los Angeles và 5 cụm rạp ở thị trường Trung Hoa Đại Lục đã được tiến hành từ 2006.
Đến Việt Nam, CJ cũng với phương cách kinh doanh chân rết, “đánh” song song trên cả hai mặt trận: từ rạp chiếu phim, phân phối phim... đến truyền hình rồi dùng truyền hình làm bàn đạp cho phân phối hàng hóa.
Khi thông tin thương vụ với MegaStar được công bố cũng là lúc kênh truyền hình SCJ Life On chính thức ra mắt và phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp SCTV.
Tại lễ ra mắt, ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV, cho biết, kênh mua sắm SCJ Life On thuộc chủ sở hữu là Công ty TNHH SCJ TV Shopping.
Đây là liên doanh giữa Công ty CJO Shopping, một công ty con của CJ và Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist. Tại Hàn Quốc, CJO Shopping có lịch sử 16 năm hoạt động với doanh thu năm 2009 là 2 tỷ USD, tương đương 40.000 tỷ đồng.
Ngoài vị trí số 1 tại Hàn Quốc, CJO Shopping, cũng đạt được nhiều thành công tại thị trường châu Á với mô hình Home Shopping tại Trung Quốc, Ấn Độ và tại Nhật Bản.
“Tại Việt Nam, phương thức bán hàng trên truyền hình đã xuất hiện từ năm 2008 nhưng chưa thực sự phổ biến. SCTV sẽ được lợi thế nhờ kinh nghiệm quản lý của CJO shopping”, ông Úy chia sẻ.
Tuy ra đời trong bối cảnh không mấy tốt đẹp bởi bán hàng qua mạng thời gian vừa qua đã bị mất uy tín do một vài đơn vị kinh doanh không lành mạnh. Thế nhưng CJO shopping vẫn rất tự tin.
Quan sát lịch phát sóng thời gian vừa qua của SCJ Life On, điều khác biệt rõ nét chính là sự tham gia của những thương hiệu uy tín thế giới như Sharp, Panasonic... Happy Cook của Việt Nam cũng đang tham gia quảng bá và phân phối qua kênh truyền hình này.
Ông Uhm Joo Hwan, Tổng giám đốc SCJ, cho biết: “Ngành kinh doanh bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam hiện tại đầy nhiều tiềm năng và thử thách. SCJ tham gia thị trường với mong muốn trở thành công ty bán lẻ tại gia số 1 tại Việt Nam”.
Khuấy động “làn sóng Hàn Quốc”
Theo kế hoạch trong năm đầu tiên, SCJ sẽ có mặt tại 8 thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ trên toàn quốc.
Song song với tốc độ phát triển này sẽ là hàng loạt các hoạt động khác trong lĩnh vực phân phối qua kênh thương mại điện tử. Quan trọng hơn, CJ còn có một chiến lược liên kết với các nhãn hàng điện tử để phát huy sức mạnh truyền thông lẫn phân phối.
Điển hình là việc liên kết với Samsung, phát sóng thử nghiệm các siêu phẩm điện ảnh, trên điện thoại thông minh Galaxy S trị giá về truyền thông lên đến 2 triệu USD.
Với mặt bằng phát triển còn ở dạng non trẻ như hiện nay của Việt Nam, sự có mặt của Envoy ngày trước cũng như CJ bây giờ đều có những tác động tích cực nhất định. Khán giả nhờ vậy mà có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với thị trường giải trí mang tính quốc tế.
Tuy nhiên, kèm với sự lớn mạnh của Lotte Cinema, với 3 cụm rạp chiếu tại Việt Nam, cùng kế hoạch mở 30 siêu thị tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc Lotte sẽ tiếp tục đẩy con số rạp chiếu phim tăng cao hơn nữa, thị trường điện ảnh, phân phối... tại Việt Nam. Hai mảng này đang được các NĐT Hàn Quốc đi theo chiến lược phát triển song song.
Đây chính là điều mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có. Co.op Mart, MaxiMark hay Galaxy, BHD... dẫu cũng đang rất cố gắng nhưng thiếu hỗ trợ từ thế mạnh của những mảng kinh doanh phụ trợ như phân phối, sản xuất phim.., thiếu cả sự liên kết nên sẽ khó mà theo kịp.
Theo Cafef/Doanh nhân