"Bà trùm" trên thị trường tài chính, bất động sản qua đời ở tuổi 82

(Dân trí) - Bà Trần Thị Hường, cố vấn cấp cao của Nam A Bank, Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu vừa qua đời tại TPHCM. Tuy kín tiếng với truyền thông nhưng bà Hường được mệnh danh là "bà trùm" trên thị trường tài chính, bất động sản, người đầu tiên nghĩ ra mô hình nuôi yến tại nhà.

Bà Trần Thị Hường (thường biết đến với tên Tư Hường), cố vấn cấp cao của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Chủ tịch Tập đoàn Hoàn Cầu... đã qua đời tại nhà riêng lúc 5h30 sáng nay (13/5) tại nhà riêng ở TPHCM, hưởng thọ 82 tuổi.

Bà Trần Thị Hường sinh ngày 20/4/1936 tại Hoài Nhơn, Hoài Thanh, Bình Định, là con thứ tư trong một gia đình đông anh em. Hồi nhỏ, nhà nghèo, bà chỉ học đến lớp 5, rồi phải đi làm thuê để có tiền lo cho gia đình. Năm 1979, gia đình bà chuyển vào TPHCM sinh sống.

Nữ đại gia Tư Hường trong một lần tham gia sự kiện tại Nha Trang
Nữ đại gia Tư Hường trong một lần tham gia sự kiện tại Nha Trang

Bà Tư Hường được biết đến là doanh nhân gây dựng cơ nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Tuy mới học hết lớp 5, xuất thân từ nghèo khó nhưng nhờ óc sáng tạo, biết chớp thời cơ, sau nửa thế kỷ kinh doanh, tích luỹ, "lão Bà thép" Tư Hường đã xây dựng một tập đoàn bao trùm trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với truyền thông, bà Hường đã kể về cuộc đời mình. Bà kể, khi còn nhỏ, nhà nghèo, học đến lớp 5, bà phải xa sách vở để đi làm đủ nghề từ buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến máy may, buôn vải, mối rượu… để có tiền lo cho gia đình.

Khi chuyển vào TPHCM, với tất cả tài sản tích cóp, bà Tư Hường bắt tay với Tổng công ty thủy sản Seaprodex. Thời điểm đó, tư nhân không được phép kinh doanh, nên bà tư vấn cho Bình Định thành lập một hợp tác xã mua bán. Bà là người thay mặt công ty này cung ứng thủy sản cho Seaprodex. Cách làm là ứng trước một phần tiền cho ngư dân, sau đó thu mua lại sản phẩm.

Những năm 1980, bà buôn nhiều mặt hàng, trong đó có trầm hương và gỗ trước khi bị cấm. Bước ngoặt đột phá trong kinh doanh của bà Tư diễn ra khi đất nước mở cửa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài. Bà Tư Hường thành lập công ty, xin cấp giấy phép kinh doanh một số ngành hàng, sau đó bán cho nước ngoài.

Trong giai đoạn từ năm 1990, bà Tư Hường nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD. Đầu tiên là phi vụ đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa với 45% vốn góp và phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau, bà bán lại cho hãng San Miguel (Mỹ) với giá 24 triệu USD. Bà từng tiết lộ riêng mình lãi 5 triệu USD từ thương vụ này.

Không lâu sau, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức, TPHCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Tùy theo vốn góp, mỗi người con bà Tư Hường lãi 1-2 triệu USD.

Sau đó, bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu USD bằng cách bán và xây dựng nhà máy nước tăng lực Lipovitan (khoảng 17 triệu USD).

Sau những thương vụ xây dựng - chuyển nhượng đình đám, năm 1993, bà Tư Hường thành lập Tập đoàn Hoàn Cầu, chính thức đặt chân vào lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này từng tạo tiếng vang quốc tế khi đứng ra tổ chức thành công sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) năm 2008. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ. Đến năm 2016, Tập đoàn Hoàn Cầu đã có vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng cùng hơn 30 công ty thành viên trên khắp cả nước.

Cùng với sự ra đời của Tập đoàn Hoàn Cầu, giai đoạn này, bà Tư cùng gia đình đặt chân vào lĩnh vực tài chính khi mua cổ phần Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Các thành viên trong gia đình Bà đã và đang tham gia giữ những vị trí chủ chốt tại nhà băng này. Trước khi qua đời, bà Tư Hường tham gia ngân hàng này với tư cách là cố vấn cấp cao HĐQT Nam A Bank.

Ngoài tài chính, bất động sản, Bà Tư Hường còn được biết đến là người đầu tiên nghĩ ra mô hình gọi yến về nuôi tại nhà và là "bà trùm" yến sào ở Khánh Hòa.

Bà Tư Hường được coi là 1 nhân vật quyết đoán, hiếm có trong lĩnh vực kinh tế trong nước. Dù tài sản của bà chưa có số liệu nào thống kê, đo đếm được nhưng thương trường vẫn đánh giá bà là một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Dù là người giàu có, nắm quyền chi phối một ngân hàng nhưng bà Tư Hường không thích thanh toán qua ngân hàng mà muốn nhận vàng, vật chất. Câu nói nổi tiếng của nữ tỷ phú can trường, nhân hậu là: "Tài sản của chúng tôi là thật, không bong bóng".

Công Quang