Ba tháng chuẩn hóa buôn gas: Nói chơi thì được?
Các doanh nghiệp kinh doanh gas sẽ có thời hạn 3 tháng để quy hoạch lại hệ thống phân phối của mình. Sau ngày 30/6, TP.HCM sẽ bắt đầu áp dụng chế tài cho các hình thức kinh doanh gas trên địa bàn không tuân theo quy định.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn TP.HCM theo đúng quy định của Nghị định 107 về kinh doanh dầu mỏ hóa lỏng và Thông tư 11 của Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân kinh doanh LPG (khí hóa lỏng) xác định lại hình thức phân phối, thiết lập và đăng ký hệ thống phân phối kinh doanh LPG.
Gần đây, sự bát nháo trong hoạt động kinh doanh gas tại TP.HCM gây nhiều bức xúc trong dư luận. Sở Công Thương TP đã ban hành công văn số 290 ngày 9/1/2014 để chấn chỉnh tình hình, trong đó hướng dẫn chi tiết nhằm giúp lành mạnh hóa thị trường gas. Tuy vậy, để thực hiện chỉ đạo này, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng đang gặp không ít khó khăn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Đồ chơi trẻ em: Nhường cho Trung Quốc |
Theo yêu cầu của Sở Công Thương TP.HCM, các thương nhân (doanh nghiệp) tiến hành thiết lập và đăng ký hệ thống phân phối kinh doanh gas. Mỗi thương nhân đều phải thiết lập các cơ sở kinh doanh và hệ thống đại lý trực thuộc thương nhân quản lý. Việc thiết lập hệ thống đại lý là chỉ bán dưới hình thức đại lý (chỉ thông qua tổng đại lý, đại lý; không phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng như trước đây).
Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.300 cửa hàng bán lẻ gas đang hoạt động chủ yếu là dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay theo Nghị định 107, hộ kinh doanh cá thể chỉ được ký hợp đồng với một đại lý thay vì ba nơi như trước kia. Nếu muốn đảm bảo quyền lợi như đại lý bán lẻ, các hộ kinh doanh cá thể nâng cấp lên mô hình doanh nghiệp thông qua chuyển đổi giáy phép kinh doanh. Đại diện Sở Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ các hộ kinh doanh về mặt thủ tục chuyển đổi.
Tuy nhiên lộ trình này đang được các doanh nghiệp kinh doanh gas xin nới rộng để có thời gian chuẩn bị và nâng cấp hệ thống của mình. Trong khi đó, các cửa hàng quy hoạch lại khách hàng cũng như lựa chọn tổng đại lý phù hợp với nhãn hiệu gas mà cửa hàng đang kinh doanh.
Ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hồng Mộc (H-gas), cho biết: “Hiện tại, rắc rối và khó khăn nhất chính là hệ quả của lịch sử để lại cho thị trường. Trước đây khi giá gas biến động, lãnh đạo thành phố khuyến khích các công ty gas cắt giảm trung gian để bớt chi phí nên công ty đã bán hàng trực tiếp cho 600 cửa hàng gas là các hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, nay không thể cung ứng gas theo hình thức này thì cũng nên cần một lộ trình xa hơn để các thương nhân quy hoạch lại tổng đại lý, đại lý của mình”.
Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: “Do một số nội dung trong công văn còn khá mới, để tránh gây xáo trộn đến việc kinh doanh cũng như gây rối loạn thị trường, Sở sẽ lùi thời gian áp dụng Công văn số 290 đến ngày 30/6. Tuy nhiên, thời gian lùi tối đa là 3 tháng để các doanh nghiệp khẩn trương và chủ động điều chỉnh lại hệ thống của mình. Sau ngày 30/6 sẽ chính thức chế tài với các hình thức kinh doanh không đúng quy định.”
Trong khi đó, ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam vẫn băn khoăn việc TP.HCM mới có 16 tổng đại lý gas đủ điều kiện theo quy định, nhưng đang phải cung ứng cho 1.000 hộ kinh doanh cá thể thì các tổng đại lý này có đáp ứng nổi hay không? Nếu có thể, Sở Công thương có thể công bố danh sách các tổng đại lý này cho hộ kinh doanh biết sớm.
Bên cạnh đó, có thông tin lo ngại rằng việc lấy gas thông qua tổng đại lý chứ không phải lấy trực tiếp từ công ty sẽ làm cho giá gas tới người tiêu dùng tăng cao. Song, hầu hết các doanh nghiệp trong Hiệp hội gas Miền Nam cho rằng việc sắp xếp lại kênh phân phối chỉ làm cho giá thành trong hệ thống bị thay đổi, còn giá bán cho người tiêu dùng sẽ được công ty niêm yết với cơ quan chức năng.
Theo Nam Phong