Bà Phạm Chi Lan: "Doanh nghiệp nội địa mạnh thì nền kinh tế mới phát triển"

(Dân trí) - "Sau 50 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác, tôi càng thấm thía rằng, một nền kinh tế phát triển được chỉ khi có cộng đồng doanh nghiệp nội địa mạnh, trong đó doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ đóng vai trò chủ chốt”, vị chuyên gia nói.

250 doanh nghiệp chung tay phát triển sản xuất trong nước

Sáng nay 1/6, 250 doanh nghiệp sản xuất đã ký thoả thuận hợp tác với mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, xây dựng thương hiệu Việt mang đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Với sự quy tụ của hàng loạt doanh nghiệp trong các ngành hàng cơ bản như: thực phẩm, hoá mỹ phẩm, văn phòng phẩm, hàng gia dụng, thực phẩm… , đây là sự kiện hợp tác đặc biệt và có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.

Theo thỏa thuận vừa được ký kết với gần 250 doanh nghiệp, đơn vị đồng hành là Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên sẽ triển khai các gói giải pháp tổng thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khâu phân phối, marketing và tiêu thụ sản phẩm. Theo chương trình ký kết, doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đặc biệt là thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu 0% tại các siêu thị của Vingroup. Đồng thời, các nhà cung cấp cũng được khuyến khích điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.


Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho hay: “Thời gian qua, việc các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép vô cùng quyết liệt, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa. Điều này là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại".

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay: “Sức ép cạnh tranh giống như sức nóng phả sau gáy, là vấn đề thực tế và diễn ra hàng ngày trong bối cảnh hàng hoá các nước bạn ASEAN phủ sóng hầu hết các kênh phân phối. Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn khi đầu vào cao, đầu ra gặp khó, trong khi quá trình sản xuất cũng chưa hẳn mạnh về công nghệ lẫn xúc tiến dịch vụ như các nước bạn".

"Năm 2016 sẽ đánh giá một quá trình mà doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên chính đất nước của mình. Đã có nhiều cuộc đi tìm giải pháp để định vị vị thế của doanh nghiệp. Cuối cùng, chúng ta thấy, trong cuộc chiến giằng co đang diễn ra, doanh nghiệp phải cùng liên kết để củng cố vị thế hàng Việt, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Quan trọng hơn là những gì doanh nghiệp sẽ làm và quá trình đồng hành giữa các doanh nghiệp hiệu quả ra sao”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nội địa mạnh thì nền kinh tế mới phát triển

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Điều tôi mong đợi từ lâu chính là được thấy sự liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ. Sau 50 năm tôi đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác, tôi càng thấm thía rằng, một nền kinh tế phát triển được chỉ khi có cộng đồng doanh nghiệp nội địa mạnh, trong đó doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ đóng vai trò chủ chốt”.


250 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Vincom

250 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Vincom

Theo bà Lan, trong 10 năm trở lại đây, điều đáng lo ngại là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào nhiều và chiếm vị trí ngày càng lấn át trong 2 lĩnh vực quan trọng là sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, doanh nghiệp FDI chiếm 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế tạo chiếm tới 70%. Hàng xuất khẩu tuy gắn mác “Made in Vietnam” nhưng có tới 70% là của doanh nghiệp nước ngoài, thương hiệu nước ngoài. Ngành dịch vụ đặt nhiều chỉ tiêu nhưng chưa có năm nào đạt được, thậm chí còn yếu đi tương đối.

"Ở Thái Lan không bao giờ đầu tư nước ngoài vượt được doanh nghiệp nội địa trong những ngành cốt lõi như công nghiệp và dịch vụ. Doanh nghiệp mình cần sự cố gắng liên tục và được đồng hành, hỗ trợ”, bà Lan nói.

Vị chuyên gia cũng cho biết, có một điểm cũng đáng lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng dành 70% hoạt động trong nước, 30% xuất khẩu. Họ vẫn giữ thị trường trong nước như chốn an toàn trong bối cảnh biến động khó lường trên thế giới. Tuy nhiên, phát triển thị trường nội địa, đáng buồn là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể làm hết trong khâu của mình, chỉ tập trung trong khâu sản xuất, do vậy, cần tiếp tay trong khâu phân phối và các khâu liên quan”.

Bà cũng nói thêm rằng: “Khi cánh cửa mở rộng hơn số phận doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào đây nếu không tạo liên kết với nhau? Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải tìm kiếm được doanh nghiệp lớn có thế mạnh về phân phối, kết hợp với marketing, đầu tư công nghệ, liên tục nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu… Chỉ bằng con đường đó, nhà sản xuất mới đứng được và quyết định được số phận hàng chục triệu người lao động trong ngành”.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Việc các doanh nghiệp liên kết với nhau là rất quan trọng. Tuy nhiên, sự liên kết còn cần phải diễn ra trong tất cả từ khâu sản xuất, phân phối cho tới tiêu thụ sản phẩm chứ không chỉ ở riêng khâu phân phối. Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực, giữ vững vị thế của riêng mình.

"Sức ép cạnh tranh càng lớn, tài chính kém, thương hiệu không có thì cách tốt nhất để cạnh tranh là liên kết lại. Đây là một giải pháp nhưng chỉ là bước đường ban đầu thôi, cái chính là doanh nghiệp phải có lộ trình cụ thể, chứ không chỉ là tập hợp nhau lại về số lượng. Bài toán cuối cùng là hiệu quả, mỗi doanh nghiệp phải có đề án cụ thể để phát huy thế mạnh của mình trong một tập hợp chung", ông Long nói.

Phương Dung

Bà Phạm Chi Lan: "Doanh nghiệp nội địa mạnh thì nền kinh tế mới phát triển" - 3