Bà Phạm Chi Lan: "Cấp dưới quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy thì phải thải ra”
(Dân trí) - "Có lẽ trên phải nóng hơn nữa, yêu cầu về cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn. Không thể để tình trạng trên nóng, dưới thì lạnh tanh lạnh ngắt. Không thể để cấp dưới cứ quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy. Trường hợp đó phải thải ra chứ", bà Phạm Chi Lan phát biểu.
Sáng nay (20/11), Hội thảo công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp.
Mức độ thực chất không đồng đều
Báo cáo cùa VCCI cho thấy, nhìn chung, các doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.
Trong 11 lĩnh vực, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.
Đáng lưu ý, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo đánh giá của VCCI, mặc dù hầu hết các Bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.
Thông thường, lãnh đạo các Bộ sẽ giao cho Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ trong bộ để tiến hành rà soát. Như vậy, vai trò của Vụ Pháp chế là rất quan trọng. Nhưng nếu Vụ Pháp chế không làm tốt thì chất lượng văn bản phụ thuộc rất nhiều vào Cục, Vụ chuyên môn, dẫn đến việc cắt giảm hình thức, không thực chất, hoặc không đồng đều về tiêu chí cắt giảm trong cùng một Nghị định.
Từ góc độ của doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
Đa số các doanh nghiệp được hỏi cho biết hài lòng về thủ tục đăng ký kinh doanh. Một số doanh nghiệp ở miền Nam được hỏi cho biết trước đây họ thường bị gây khó dễ, thậm chí vòi vĩnh khi làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng hiện tượng này hiện nay đã giảm. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng cứng nhắc khi một số cán bộ xử lý hồ sơ khiến doanh nghiệp mất thời gian như có doanh nghiệp lập biên bản họp không giống với thể thức đăng tải trên website của tỉnh thì bị yêu cầu làm lại.
Trên phải nóng hơn nữa, dưới lạnh phải "thải ra"
Phát biểu tại buổi hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: "Vấn đề có sự thay đổi thực chất hay không, báo cáo phần nào trả lời: cũng có 1 số là thực chất nhưng số đó không nhiều. Tôi nghĩ có lẽ được khoảng 40% mà có khi con số đó còn là cao so với thực tế".
Bà Lan cho rằng, về cải cách môi trường kinh doanh không chỉ có trách nhiệm từ phía địa phương mà còn phải từ phía các bộ ngành.
Bà Phạm Chi Lan: "Cấp dưới quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy thì phải thải ra”
"Việc ban hành các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh là phải do các Bộ, địa phương không có thẩm quyền làm việc đó. Hay như nếu các Bộ ngành không tích cực hoặc chúng ta không có sự đánh giá trực diện tới các Bộ ngành thì tình trạng sẽ kéo dài. Bộ không làm thì địa phương không làm được", bà Lan nói.
Chuyên gia khuyến nghị: "Chúng ta hay nói trên nóng dưới lạnh nhưng tôi hi vọng trên nóng hơn nữa. Hiện chúng ta đã thông qua CPTPP, đang thuyết phục cộng đồng châu Âu sớm thông quá FTA với EU cho thấy cạnh tranh trong thời gian tới, đặc biệt là thể chế rất mạnh mẽ".
"Có lẽ trên phải nóng hơn nữa, yêu cầu về cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn. Không thể để tình trạng trên nóng, dưới thì lạnh tanh lạnh ngắt. Không thể để cấp dưới cứ quấy nhiễu, ảnh hưởng cả bộ máy. Trường hợp đó phải thải ra chứ", bà Lan nói.
Bà cũng chỉ ra thực trạng, bộ máy vẫn còn cho thấy không có động lực để cắt giảm điều kiện kinh doanh. "Một cửa nhưng rất nhiều ngách, vẫn phải chạy rất nhiều chỗ khác nhau. Nếu không liên thông được thì bộ máy của chúng ta tiếp tục là bộ máy phân mảnh. Từ phân mảnh đẻ ra thương mại hoá, lạm dụng quyền lực tạo ra lợi ích riêng ở nơi này nơi khác", bà nhấn mạnh.
Theo đó, vị chuyên gia đề nghị nhà nước nên khôi phục lại cơ chế "máy chém", học tập theo kinh nghiệm Hàn Quốc.
"Chúng ta đã có 1 danh mục rồi sao Nhà nước không cắt được các điều kiện kinh doanh mà cứ phải chờ các Bộ. Chúng ta cần ra tiếp các nghị định mới đi, tuyên bố cắt giảm 1 loạt và đưa ra điều kiện nếu các Bộ không cắt giảm thì sẽ tự động cắt giảm 1 loạt điều kiện. Tôi mong trong 2 năm tới sẽ tiến tới làm sao không cần Nghị quyết 19, Chính phủ không phải cầm tay chỉ việc cho từng địa phương. Xã hội đang thay đổi rất nhanh chúng ta không có thời gian để cứ làm mãi thế này đâu", bà nói thêm.
Phương Dung