1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Asanzo tuyên bố mở cửa trở lại, báo lỗ hơn 1000 tỷ đồng

(Dân trí) - Không chỉ tuyên bố mở cửa hoạt động trở lại, ông chủ của Asanzo còn cho biết tháng 10 tới, công ty sẽ đưa vào vận hành nhà máy thứ 5 với công suất quy mô lớn hơn nhiều so với nhà máy hiện tại…

Tại cuộc họp báo sáng 17/9, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã tuyên bố mở cửa hoạt động trở lại các nhà máy sau đúng 17 ngày thông báo ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không chờ nổi kết luận chính thức, Asanzo vội tuyên bố mở cửa trở lại

Cũng theo ông Tam, tháng 10 tới, Asanzo sẽ đưa vào vận hành nhà máy thứ 5 tại Khu công nghệ cao tại quận 9, TP. HCM với công suất quy mô lớn hơn nhiều so với nhà máy hiện tại, vào khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu sản phẩm trên một năm.

Asanzo  tuyên bố mở cửa trở lại, báo lỗ hơn 1000 tỷ đồng  - 1

Buổi họp báo thu hút nhiều cơ quan báo chí, truyền hình và sự quan tâm của dư luận.

Trước rất đông đảo phóng viên tham dự, phía đại diện Asanzo đưa ra hai nội dung báo cáo để qua đó khẳng định mình bị “oan” trước cáo buộc giả xuất xứ hàng hoá.

Văn bản thứ nhất, đó là báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Tổng cục quản lý thị trường gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

“Theo báo cáo này, Tổng cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã tiến hành kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp”, đại diện Asanzo cho biết.

Văn bản thứ hai mà Asanzo cho rằng đã khẳng định mình không giả xuất xứ hàng hoá đó là báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

“Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các sản phẩm điện tử Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”, đại diện Asanzo nói.

Asanzo  tuyên bố mở cửa trở lại, báo lỗ hơn 1000 tỷ đồng  - 2

Ông Phạm Văn Tam cùng các cộng sự trao đổi thông tin với báo chí.

Khẳng định mình không sai phạm về xuất nhập khẩu, Asanzo dẫn kết luận kiểm tra của Cục kiểm tra sau Thông quan. 

“Trên có sở hồ sơ tài liệu, số liệu thông tin do công ty cung cấp, tài thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”, đại diện Asanzo dẫn kết luận từ phía cơ quan hải quan.

Asanzo  tuyên bố mở cửa trở lại, báo lỗ hơn 1000 tỷ đồng  - 3

Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tạm cũng khẳng định Asanzo không lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”.

“Đến thời điểm này, không có bất kỳ biên bản kiểm tra nào của cơ quan chức năng kết luận Asanzo có sai phạm trong việc sử dụng slogan này”, ông Tam nói.

Sau phần công bố của Asanzo, rất nhiều câu hỏi, thắc mắc được đặt ra đối với ban lãnh đạo công ty này. Trong đó có các vấn đề như nghi vấn trốn thuế, nhiều công ty liên quan tới Asanzo bỏ trốn, địa chỉ “ma”…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hàng loạt công ty liên quan Asanzo là doanh nghiệp “ma”, luật sư của Asanzo khẳng định không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào đối với các công ty này. 

“Chúng tôi không có mối quan hệ sở hữu, ngoại trừ giao dịch hàng hoá mua bán bình thường. Không chỉ cung cấp cho Asanzo mà còn cung cấp cho công ty khác”, vị này cho biết.

Thậm chí tại buổi họp báo, có ý kiến cho rằng, đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức từ Ban chỉ đạo 389 thì việc khẳng định mình không sai phạm của Asanzo có phải vội vàng. Trả lời câu hỏi này, luật sư của Asanzo cho rằng: Đến thời điểm này, cơ quan nhà nước chưa ban hành kết luận gì về việc Asanzo sai phạm.

Vị luật sư này cũng khẳng định, tất cả các thông tin Asanzo công bố đều là "đúng".

Asanzo  tuyên bố mở cửa trở lại, báo lỗ hơn 1000 tỷ đồng  - 4

Các Nhà báo có 30 phút để đặt câu hỏi về những điểm chưa được sáng tỏ xoay quanh vụ Asanzo. 

Asanzo  tuyên bố mở cửa trở lại, báo lỗ hơn 1000 tỷ đồng  - 5

Khi được hỏi về con số thiệt hại sau nghi án “đột lốt hàng Việt”, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Asanzo cho biết, con số ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. “Sau 3 tháng khủng hoảng, 20 năm xây dựng về con số 0, con thiệt hại cả nghỉn tỷ đồng là ước tính. Thực tế còn nhiều hơn như thế. Sau đó còn mất rất nhiều chi phí xây dựng lại”, ông Tam cho hay. 

Trong khi đó, trao đổi với báo chí trước giờ họp báo chính thức của Asanzo, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - ông Đàm Thanh Thế tỏ ra ngạc nhiên.

Ông Thế nói: “Đấy là việc của Asanzo, họ làm phải đúng quy định pháp luật. Còn việc điều tra của cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Khi nào có kết luận chính thức tôi sẽ công bố với báo chí”.

Lãnh đạo Ban này cũng cho biết hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về kết luận vụ việc.

Trước đó, hồi tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại tới 30/8 do "tính chất phức tạp của vụ việc".

Đến ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra, kiểm tra việc “đội lốt hàng Việt”.

Nguyễn Mạnh - Đỗ Quân