Asanzo kêu khổ vì đối tác đồng loạt rời bỏ, ngân hàng quay lưng

(Dân trí) - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam đã có thư đề nghị Tổng cục quản lý thị trường sớm xúc tiến kiểm tra vụ việc báo chí nêu liên quan tới giả mạo xuất xứ ở chính công ty này. Theo CEO Asanzo, như vậy để có thể đưa ra kết luận khách quan.

Asanzo kêu khổ vì đối tác đồng loạt rời bỏ, ngân hàng quay lưng - 1
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo.

Trong một văn bản với tiêu đề “Thỉnh nguyện thư” được gửi tới Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam đã đề nghị cơ quan này sớm xúc tiến kiểm tra để đưa ra kết luận khách quan.

“Điều nay giúp cho việc sản xuất kinh doanh công ty khỏi đình đốn, bảo vệ 2.000 công ăn việc làm đang bị đe doạ”, ông Tam viết.

Theo lý giải của Chủ tịch Asanzo, từ đầu năm 2018 trở về trước, công ty này sản xuất và lắp ráp thành phẩm toàn bộ các sản phẩm điện tử gia dụng của mình mà không nhập khẩu thông qua một bên thứ 3 nào.

“Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay họ có nhập khẩu một số mặt hàng thông qua đối tác, đó là lý do trên thị trường hiện nay đang tồn tại hai dòng hàng xuất xứ khác nhau, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và báo chí”, Chủ tịch Asanzo giải thích.

Thứ hai ông Tam cho rằng, theo quy định về việc ghi nhãn hàng hoá, bắt buộc họ phải ghi xuất xứ Việt Nam cho tất cả các hàng hoá lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Điều này theo ông Tam “sẽ đúng dù linh kiện nhập về từ nhiều nước khác nhau, miễn sao là sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam”. Vì thế đại diện Asanzo khẳng định “không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng” khi ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng tivi.

“Thế nhưng nghi vấn trên đang khiến người tiêu dùng trong cả nước ngưng mua hàng, các nhà phân phối ngưng nhập hàng và tất cả các tài khoản ngân hàng đều bị đóng băng, khiến cho việc kinh doanh đình trệ, khốn đốn”, ông Tam cho biết.

Trước đó trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho biết, sau khi báo chí đưa thông tin Asanzo dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt thì bản thân ông rất buồn. Bởi, Asanzo là thương hiệu Việt Nam được phát triển tâm huyết.

Về việc báo chí thông tin Asanzo cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên Panel LCD (khung hiển thị màn hình tinh thể lỏng), ông Tam chia sẻ, theo quy trình của Asanzo, Panel LCD là một linh kiện bên trong của tivi và các công nhân không gỡ bỏ tem sườn có chữ “Made in China” trên linh kiện này. Công nhân chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện Panel LCD.

Theo ông Tam, nhiều hãng sản xuất điện tử lớn trên thế giới cũng đang phải nhập linh kiện từ nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là “thiên đường” nhập hàng của các hãng điện tử.

Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. Riêng phần mềm tivi thì được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam.

Ngay sau khi báo chí vào cuộc phản ánh về việc Asanzo “đội lốt hàng Việt”, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của doanh nghiệp này. Đồng thời bà Vũ Kim Hạnh, đại diện Hiệp hội cho biết Asanzo đã cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa.

Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) được giao rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 4/7, đại diện Bộ Công Thương cho biết đang “tích cực” phối hợp với Bộ Tài chính để làm rõ vụ Asanzo. Đồng thời cũng thông tin, hiện Việt Nam vẫn đang chưa có quy định rõ ràng thể nào là hàng "made in VietNam".

Nguyễn Mạnh