APEC FMM 13 thông qua 4 vấn đề kinh tế quan trọng
(Dân trí) - Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2006, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh cho biết, chúng ta đã tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế thành viên về quản lý các nguồn vốn và xây dựng một nền tài chính lành mạnh, bền vững.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, APEC FMM 13 đã khẳng định được 4 vấn đề kinh tế quan trọng tại bản Tuyên bố chung của các Bộ trưởng:
Trước hết, hội nghị đã thảo luận về tình hình tài chính, kinh tế toàn cầu trên cơ sở đó đưa được nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tự do hóa về thương mại, tự do hóa tài chính và chuyển dịch các luồng vốn để thúc đẩy phát triển các nền kinh tế thành viên qua đó thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển.
Thứ hai, các Bộ trưởng đã thảo luận những vấn đề quan tâm của các nền kinh tế thành viên trong việc vận dụng các kinh nghiệm của nhau để hoàn thiện đường lối, chính sách nhằm ổn định các nguồn thu của mỗi nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi thành viên và sự thịnh vượng chung của khu vực.
Thứ ba, FMM 13 cũng đã tìm ra các giải pháp, học hỏi các kinh nghiệm quản lý thị trường vốn để hướng các luồng vốn này luân chuyển theo thông lệ quốc tế từ các nước phát triển sang các nước chưa phát triển, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của các nền kinh tế APEC.
Cuối cùng, bản Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC kêu gọi xúc tiến mạnh mẽ vòng đàm phán Doha, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại, tự do hóa tài chính toàn cầu và giữa các nền kinh tế thành viên.
Tại cuộc họp báo sau khi ra bản Tuyên bố chung, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, với tư cách là chủ trì Hội nghị, một lần nữa kêu gọi nối lại vòng đàm phán Doha, vì mục tiêu phát triển của những nước nghèo.
Tuyên bố chung cũng đề ra tầm quan trọng của vấn đề mất cân đối toàn cầu và đặt ra yêu cầu hợp tác để điều chỉnh sự mất cân đối đó. Cụ thể, Hoa Kỳ phải có mức tiết kiệm quốc gia cao hơn, Nhật Bản phải giảm được thâm hụt tài khóa, tăng trưởng cầu trong các nước thành viên APEC và châu Âu phải mạnh hơn, và đặc biệt là “cho phép có sự linh hoạt cao hơn về tỷ giá hối đoái một cách phù hợp tại các nền kinh tế châu Á mới nổi”.
Các Bộ trưởng Tài chính APEC cũng đã thông qua “Chương trình Nghị sự Trung hạn Hà Nội” với sự nhất trí cao. Chương trình này sẽ đưa ra các lĩnh vực chính sách ưu tiên và một khuôn khổ kế hoạch cho tiến trình trong vòng 3 - 5 năm tới.
Trần Đức - Phúc Hưng