1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Áp sàn giá vé: 3 hãng bay bảo tích cực, 2 hãng đánh giá tiêu cực

Châu Như Quỳnh Hoàng Dung

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam khẳng định áp sàn giá vé máy người tiêu dùng vẫn có cơ hội tiếp cận các mức giá phù hợp. Với người có thu nhập hạn chế có thể cân đối lựa chọn các hình thức vận chuyển khác.

Thông tin trên được nêu trong báo cáo Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan tới đề xuất áp giá sàn vé máy bay.

Vé máy bay từ Hà Nội đi TPHCM cũng chỉ bằng xe khách, tàu hỏa?

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, áp sàn giá vé máy bay là giải pháp mang tính tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

Người đứng đầu Cục hàng không Việt Nam thừa nhận việc áp giá sàn cũng tồn tại các bất cập, hạn chế. "Một trong những hạn chế của chính sách là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng hàng không không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các hãng hàng không" - ông Thắng nói.

"Do tính chất khẩn cấp của việc ban hành chính sách, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện xác định mức giá tối thiểu theo phương pháp so sánh. Theo đó, khi so sánh tỷ lệ mức giá tối thiểu/mức giá tối đa với các quốc gia đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, mức giá đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam thấp hơn, chỉ bằng 20% giá tối đa.

Trong khi đó, Indonesia đang áp mức giá tối thiểu bằng 35% mức tối đa, Ấn Độ từng áp mức 33 - 35%, Trung Quốc từng áp mức 44%" - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam lý giải về cơ sở áp giá tối thiểu và cho rằng việc so sánh này chỉ mang tính chất tương đối do Cục Hàng không không có dữ liệu về phương pháp xây dựng khung giá của các quốc gia khác.

Áp sàn giá vé: 3 hãng bay bảo tích cực, 2 hãng đánh giá tiêu cực - 1

Cục Hàng không khẳng định áp sàn giá vé máy bay là phù hợp trong ngắn hạn và đã được đánh giá tác động đầy đủ (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng đã thực hiện so sánh mức giá tối thiểu đề xuất với chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng Hà Nội - TPHCM, đây là đường bay thông dụng nhất trong hệ thống mạng nội địa và được tất cả các hãng hàng không Việt Nam tham gia khai thác năm 2019 (giai đoạn với điều kiện khai thác bình thường, không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Giá dịch vụ vận chuyển hành khách được các hãng hàng không thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau... Mức chi phí bình quân của các hãng hàng không là hơn 1,5 triệu đồng, bằng khoảng 47% so với mức giá tối đa quy định hiện hành. Do vậy, mức tối thiểu theo Cục Hàng không đề xuất bằng khoảng 43% chi phí bình quân của hãng hàng không là phù hợp.

Với mức giá tối thiểu được đề xuất, Cục Hàng không cho biết, sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ, chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho một vé một chiều chặng Hà Nội - TPHCM là 824.000 đồng, xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện các hãng hàng không đang chia làm hai nhóm. Trong đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways thuộc nhóm đánh giá tác động tích cực. Nhóm đánh giá tác động tiêu cực gồm có Vietravel Airlines và Vietjet.

Hai hãng ở nhóm đánh giá tác động tiêu cực cho rằng chính sách quy định giá tốt thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, khung giá tại dự thảo Thông tư đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Phía người tiêu dùng vẫn có cơ hội tiếp cận các mức giá phù hợp. Trường hợp những người dân có thu nhập hạn chế có thể cân đối lựa chọn các hình thức vận chuyển khác.

Áp giá sàn, lợi thế nghiêng về hãng lớn!

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu áp giá sàn vé máy bay, "xóa sổ" vé 0 đồng, vé giá rẻ thì bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là những người có nhu cầu đi lại cá nhân, nhất là người thu nhập thấp.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa là không hợp lý. Làm như thế (áp giá sàn - PV) sẽ gây khó cho chính doanh nghiệp hàng không. Bởi nhiều khi doanh nghiệp muốn giảm giá vé nhưng không thể giảm được, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đang muốn kích cầu. Hơn nữa, việc áp sàn vé máy bay còn gây thiệt cho người tiêu dùng.

"Giả sử, doanh nghiệp muốn giảm giá vé xuống 0 đồng mà giờ phải áp dụng giá sàn tối thiểu như thế nghĩa là người tiêu dùng phải trả giá sàn đó. Cho nên, việc này vừa làm khó cho doanh nghiệp, vừa làm khó, gây bất lợi cho người tiêu dùng", ông phân tích.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour, cho biết không nên áp giá sàn vé máy bay mà để thị trường quyết định. Việc áp giá sàn sẽ khiến chi phí giá vé máy bay tăng lên, đồng nghĩa giá tour trọn gói ở các công ty lữ hành cũng tăng theo.

"Giá vé máy bay hiện chiếm 70% giá tour du lịch. Giả sử, khách đặt tour Đà Nẵng với giá 5 triệu đồng thì giá vé máy bay sẽ rơi vào khoảng 3,2 - 3,5 triệu đồng. Nếu các hãng hàng không tăng giá vé thì đơn vị lữ hành cũng phải tăng giá tour và khách hàng sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn để chi trả", ông nói. 

Theo ông Năng, hiện nay, mỗi hãng hàng không đều có những phân khúc khách hàng khác nhau từ bình dân cho đến cao cấp. Việc lựa chọn hãng bay sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Nếu áp sàn giá máy bay, lợi thế sẽ nghiêng về một số hãng, đặc biệt là hãng lớn, từ đó sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm