1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Áp lực tăng giá cuối năm

Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy giá tiêu dùng tháng 10/2006 tăng 0,33%. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng còn sẽ tăng cao và hiện các siêu thị đặt hàng Tết đều chưa thỏa thuận được giá.

Hàng chợ, siêu thị đều tăng giá

 

Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc, vật liệu xây dựng, phụ tùng xe máy... thay phiên nhau tăng giá. Đặc biệt, các loại thực phẩm, lương thực là ngành hàng tăng giá mạnh nhất. Nguyên nhân là do người bán hàng đã cộng tất cả các chi phí: đi lại, hao hụt, thuế... vào giá bán, kể cả mức tăng “dự phòng” nên đẩy giá hàng hóa ở chợ tăng lên.

 

Cũng như trước đây mỗi khi điều chỉnh giá, người bán tìm đủ mọi cách để giải thích với khách hàng. Ban quản lý và tiểu thương các chợ đều than “chợ ế, giữ giá để giữ mối”. Ban giám đốc các siêu thị trên địa bàn TPHCM cũng luôn khẳng định: “Siêu thị tăng cường giám sát giá thị trường, yêu cầu nhà cung cấp giữ giá để cạnh tranh” và mỗi siêu thị chỉ tiếp nhận vài chục hồ sơ xin đăng ký điều chỉnh tăng giá/tháng.

 

Tuy nhiên, thực tế là giá hàng hóa ở chợ và siêu thị vẫn tăng đều. Anh Khánh, bán quần áo ở chợ Bình Tây, thừa nhận: Gần cuối năm, cơ sở bung hàng và điều chỉnh giá nên tiểu thương phải tăng theo. Nhưng người bán nếu thật thà nói lên giá thì khách e dè, nhiều khi bỏ đi không mua nên phải nói dối để bán hàng.

 

Tại các siêu thị, nhà cung cấp thường dùng chiêu thức khuyến mãi giảm giá, kèm sản phẩm... cho mỗi đợt hàng mới hoặc điều chỉnh giá hàng để “đánh lạc hướng” chú ý của khách và dễ dàng chấp nhận mức giá mới ở lần mua sau.

 

Đăng ký hàng nhưng phải chờ giá

 

Thời gian qua, hầu hết các đơn vị sản xuất nhôm nhựa, bánh kẹo, thực phẩm... đều đã có điều chỉnh giá ít nhiều. Phó giám đốc một công ty chuyên về thực phẩm chế biến - đông lạnh cho biết: Do giá hiện đã khá cao, nên các công ty chưa dám tăng giá thêm mà hiện đang phải giữ giá để duy trì sức mua. Thế nhưng, đến thời điểm cận Tết, chắc chắn sẽ điều chỉnh lên.

 

Ngành hàng bánh kẹo cũng vậy. Chị Liên, tiểu thương chuyên bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây, nhận định: Giá bánh kẹo hiện thời đã cao nhưng chắc chắn sẽ còn nhích lên. Thời gian gần đây, giá đường, đậu tăng lên tuy không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất hàng Tết của các công ty bánh kẹo (vì họ đã chuẩn bị nguyên liệu từ đầu năm) nhưng đây là “cái cớ” để nhà sản xuất nâng giá.

 

Hiện tại, nhiều siêu thị đang lên kế hoạch nhập hàng kinh doanh Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các nhà phân phối chỉ chấp nhận cho các siêu thị đăng ký số lượng, chủng loại hàng hóa chứ không thỏa thuận giá cả. Theo đại diện siêu thị Sài Gòn, phải đến cuối tháng 12 đầu tháng 1, khi thị trường Tết chuyển động, nhà cung cấp mới báo giá chính thức cho hàng Tết.

 

Theo Thanh Nhân

Báo Người Lao động