Anh - Ý thoả thuận ngầm về áp thuế giầy da

(Dân trí) - Theo đó, Anh sẽ hẫu thuẫn cho Italy đòi hỏi áp đặt mức thuế quan trừng phạt cho mặt hàng giầy dép rẻ tiền của Trung Quốc, đổi lại, Italy sẽ phải ủng hộ chính sách thời gian làm việc kéo dài của Anh Quốc.

Sự vụ mang tính điển hình “đi đêm” của Cộng đồng chung Châu Âu đã khiến giới thương nhân hốt hoảng, bởi lẽ với họ, thoả thuận này sẽ khiến Anh Quốc bắt buộc phải ủng hộ Italy trong các cuộc tranh chấp thương mại trong tương lai với Trung Quốc về các sản phẩm gỗ và gốm rẻ tiền.

 

Việc Anh sẵn sàng từ bỏ các nguyên tắc tự do thương mại của mình trong cuộc tranh cãi về giầy da là dấu hiệu cho thấy: nước này thực sự lo ngại các thành viên EU phản đối việc xứ sương mù đứng ngoài cam kết làm việc 48 giờ/tuần. Vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo vào tháng 11 tới đây.

 

Anh Quốc mới chỉ có vừa đủ số thành viên EU ủng hộ việc không tham gia vào quy ước số giờ làm trong tuần - điều được xem là phần tối quan trọng trong cái gọi là “thị trường nhân công linh hoạt” của nước này. Tuy nhiên, những đồng minh trên tỏ ra không được kiên định cho lắm.

 

Thời báo Finacial Times dẫn lời nhiều nguồn tin cho biết, Anh hiện đang rất cần sự ủng hộ của Italy. Để có được đồng minh này, Anh sẵn sàng chấp nhận ủng hộ chính sách bảo hộ hàng hoá EU do Italy khởi xướng - chính sách áp đặt mức thuế chống phá giá đối với các loại giầy da của Trung Quốc và Việt Nam.

 

Đại sứ các nước EU vào thứ Tư tuần sau sẽ biết được Italy, Tây Ban Nha cùng một số nước sản xuất giầy da sẽ chiếm đa số với sự ủng hộ của Anh hay không. Sẽ phải có một hiệp định mới được ký kết trước khi quy định tạm thời về thuế giày da hết hiệu lực vào 06/10 tới đây.

 

Một phát ngôn viên của Anh đã từ chối khẳng định có hay không thoả thuận ngầm giữa Anh và Italy, ông nói: “Chúng tôi không bình luận về những cuộc bàn thảo tuyệt mật”.

Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối giầy dép FAT thẳng thắn: “Sự vụ này nên được quyết định trên nguyên tắc đứng đắn, không nên dựa trên lề thói “đi đêm”, nó sẽ khiến EU trở nên rất khó coi”.

 

Kar

Theo Financial Times