Anh nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm, 'bảo lãnh' cho cả xóm làm giàu

Nhờ mạnh dạn đưa cây dưa hấu xuống ruộng lúa, anh Trần Công Danh ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn là “bà đỡ” giúp nhiều nông dân khác thoát nghèo.

Thu tiền tỉ mỗi năm
 
Anh nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm, bảo lãnh cho cả xóm làm giàu - 1

Gia đình anh Trần Công Danh bao đời chỉ gắn bó công việc đồng áng. Nhờ sự cần kiệm, chăm lo lao động lại biết cách tích cóp nên năm 1986, anh mua được chiếc máy xới và máy tuốt lúa để phục vụ cho bà con trong xã và các huyện lân cận. Ngoài ra, anh còn sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... để làm thuê kiếm thêm thu nhập.

“Làm việc vất vả thật đấy nhưng bù lại kinh tế gia đình cũng khấm khá”, anh Danh cười nói với PV. VietNamNet. Sau nhiều năm dành dụm, từ 1ha đất ban đầu, anh Danh mua thêm được gần 5ha đất, nâng tổng diện tích đất canh tác của gia đình lên đến 6ha.

"Thời điểm đó, tôi chỉ biết bám đất làm lúa 3 vụ/năm. Nhưng đất ngày càng bạc màu, năng suất giảm nên thu nhập gia đình không ổn định. Thấy nhiều nơi, bà con luân canh “2 lúa - 1 màu”, đặc biệt đưa cây dưa hấu xuống ruộng đạt hiệu quả kinh tế cao cũng như giúp cải thiện độ màu mỡ của đất nên tôi quyết định làm theo", anh Danh kể.

“Hồi năm 2000, tôi trồng 3 liếp dưa hấu trên ruộng lúa với chế độ phân, thuốc khác nhau. Khi thu hoạch, tôi chọn ra liếp dưa đạt năng suất cao nhất, lấy công thức đó áp dụng đại trà cho các vụ sau”, anh Danh nói thêm. 

Anh nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm, bảo lãnh cho cả xóm làm giàu - 2

Thu hoạch vụ lúa đông xuân xong, thay vì tiếp tục xuống giống vụ xuân hè, anh Danh trồng 1,3ha dưa hấu.

Trước khi làm đất, anh cho máy gặt đập liên hợp cắt sát gốc lúa. Thửa đất nào lớn, anh chia rãnh đào đường nước để trữ nước tưới trong mùa khô hạn và thoát nước mưa; sau đó mới lên liếp. Trên các liếp dưa phủ sẽ một lớp rơm rồi mới gieo hạt.

Khi cây con được từ 5-7 ngày tuổi anh bắt đầu tưới phân,10-12 ngày bón phân tống gốc và tiếp tục cho đến lúc dây dưa ra trái.

Đặc biệt, anh luôn tuân thủ thời gian cách ly phân, thuốc khoảng 7 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng dưa.

Anh Danh chia sẻ, trồng dưa khoảng 55 ngày là thu hoạch, trong khi đó lúa phải đến 90 ngày. Ngoài ra, trồng dưa cho năng suất rất cao, hơn 3 tấn/công trở lên, có năm trúng vụ lên 4,5 tấn/công, giá từ 3.000-7.000 đồng/kg, hiệu quả cao gấp 3-5 lần trồng lúa.

Đặt biệt từ năm 2018, tình hình thời tiết bất thường nên anh đã đầu tư chuyển sang trồng dưa hấu sử dụng màng phủ. Mô hình này chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả cũng cao hơn cách trồng thông thường. Theo đó, vụ dưa năm 2018 và đầu năm 2019 cho năng suất rất cao.

"Thu hoạch xong, nhờ có thời gian phơi khô đất, lượng phân còn sót lại cộng với dây dưa phân hủy sẽ trả lại lượng chất hữu cơ đáng kể cho đất. Nếu trồng lúa 3 vụ phải bón mỗi công 50kg phân thì luân canh 2 lúa - 1 dưa hấu, chỉ cần 30kg mà năng suất lúa lại cao hơn”, anh Danh chia sẻ.

Với tinh thần ham học hỏi, từ ngày luân canh lúa - màu, anh Danh thường xuyên tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tham quan nhiều mô hình sản xuất, học hỏi nhiều kỹ thuật để sản xuất lúa - màu tốt hơn. 

Anh nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm, bảo lãnh cho cả xóm làm giàu - 3

"Bà đỡ" của người nghèo

Nhờ mô hình luân canh 2 lúa - 1 màu hiệu quả, gia đình anh Danh vươn lên khá giả, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Nhiều bà con trong xã thấy mô hình của anh đạt hiệu quả cao đã đến học hỏi kinh nghiệm và được anh tận tình hướng dẫn.

Để thuận tiện cho việc hỗ trợ bà con, năm 2015, anh cùng với cán bộ Hội Nông dân xã thành lập tổ hợp tác “2 lúa - 1 màu”, gồm 33 thành viên (nay 37 thành viên), với tổng diện tích hơn 42ha, do anh làm tổ trưởng.

Từ khi thành lập đến nay, anh Danh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên đưa cây màu xuống ruộng.

Ngoài hỗ trợ kỹ thuật luân canh lúa - dưa, anh còn đứng ra bảo lãnh cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn mướn đất, mua thiếu phân thuốc đến cuối vụ mới thanh toán, từ đó giúp đỡ hàng chục tổ viên thoát nghèo bền vững.

Anh Trần Văn Trung, ấp Phước Thới 1, kể: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo có sổ, nhà dột nát, không đất canh tác, sống bằng nghề chăn vịt. Năm 2015, tôi làm liều đến nhờ anh Danh giúp đỡ và được anh ấy đứng ra bảo lãnh thuê đất, mua giống và phân thuốc cho canh tác lúa và trồng dưa hấu. Sau 3 năm gia đình tôi đã thoát nghèo, cất được nhà mới và mua thêm được 5 công đất canh tác”.

Anh nông dân kiếm tiền tỷ mỗi năm, bảo lãnh cho cả xóm làm giàu - 4

Ngoài ra, còn rất nhiều người được anh Danh giúp vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập cho gia đình. 

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần thơ, cho biết: “Điều đáng quý, đáng trân trọng ở anh Danh là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm, xem những khó khăn của nông dân, đặc biệt là các thành viên trong tổ như là khó khăn của mình nên luôn nhiệt tình giúp đỡ”. Ngoài ra, còn rất nhiều người được anh Danh giúp vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập cho gia đình. 

Với những thành tích đạt được, anh Danh vinh dự nhận bằng khen của UBND TP. Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (giai đoạn 2011-016). Anh cũng trao tặng Bằng khen của TƯ Hội Nông dân Việt Nam vì có thành tích xuất sắc phong trào thi đua yêu nước (giai đoạn 2010-2015).

Năm 2017, anh nhận Giấy chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương (giai đoạn 2012-2016).

Năm 2018, nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (giai đoạn 2012- 2017).

Năm 2019, anh Danh được bình chọn là một trong 63 gương nông dân nông dân điển hình toàn quốc năm 2018.

Theo Thanh Sang Vietnamnet