Anh lần đầu tiên trong lịch sử bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm
(Dân trí) - Ngày 22/2, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Anh đã bị mất bậc tín nhiệm cao nhất khi hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s hạ bậc tín nhiệm từ mức AAA xuống Aa1 do triển vọng kinh tế tăng trưởng yếu.
Như vậy sau hàng chục năm giữ được bậc xếp hạng tín nhiệm cao nhất, Anh đã chịu chung số phận với Mỹ và Pháp khi bị ít nhất một tổ chức xếp hạng lớn hạ bậc tín nhiệm. Trước đó, nước này đã được Moody’s và S&P xếp hạng tín nhiệm cao nhất suốt từ năm 1978, còn Fitch Rating cũng dành cho họ thứ hạng cao nhất từ năm 1994.
Ngân hàng trung ương Anh cũng bị hạ bậc tín nhiệm
Ngoài ra, Moody cũng hạ bậc tín nhiệm của ngân hàng trung ương Anh (BoE) từ mức AAA xuống Aa1. Đây được xem như những tổn hại lớn đến uy tín của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, người từng tuyên bố bảo vệ bậc xếp hạng tín nhiệm cao nhất của “đảo quốc sương mù” để giúp duy trì mức lãi suất vay vốn ở mức thấp.
Trong thông báo của mình, Moody’s khẳng định nguyên nhân chính khiến họ đưa ra quyết định này đó là một thực tế “ngày càng rõ ràng rằng, bất chấp sức mạnh đáng kể về mặt cấu trúc kinh tế, tăng trưởng của kinh tế Anh sẽ tiếp tục ảm đạm trong những năm tới”.
Theo Moody’s, kinh tế nước này vừa gặp trở ngại từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và sự trì trệ của hoạt động kinh doanh, vừa bị tác động bất lợi từ sự cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Cơ quan này khẳng định sự phục hồi của kinh tế Anh đã chậm hơn đáng kể so với những lần phục hồi sau suy thoái trước đó. Moody’s tin rằng tình hình này sẽ khó thay đổi.
Việc kinh tế tăng trưởng chậm, theo Moody’s, sẽ khiến dự định tăng doanh thu từ thuế bị tổn hại và làm cho kế hoạch củng cố tài khóa của chính phủ Anh thêm khó khăn. Trong khi đó số lượng nợ công ngày càng tăng của Anh sẽ làm giảm khả năng chống chọi của nước này trước những cú sốc tài chính ít nhất tới năm 2016.
Moody’s dự báo tỷ lệ nợ công của Anh sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh ở ngưởng 96% GDP năm 2016, trễ hơn nhiều so với những dự báo trước đó.
“Sau khi được bầu năm 2010, chính phủ Anh đã hoạch định một chương trình củng cố tài khóa kéo dài suốt nhiệm kỳ 5 năm của nghị viện khóa này và dự kiến tỷ lệ nợ công/GDP sẽ bắt đầu giảm từ năm 2015 – 2016”, bản báo cáo của Moody’s viết.
“Tuy nhiên, đến nay chính phủ đã thông báo rằng việc củng cố tài khóa sẽ phải kéo dài sang nghị viện khóa sau, khiến khả năng chương trình này được triển khai ngày càng thiếu chắc chắn”.
Dù vậy, hãng xếp hạng tín nhiệm này vẫn giữ đánh giá triển vọng kinh tế Anh ở mức ổn định với niềm tin rằng sự quyết tâm về mặt chính trị cùng với sức mạnh từ những yếu tố nền tảng trong trung hạn “sẽ cho phép chính phủ thực thi kế hoạch củng cố tài khóa của mình kịp thời và đảo ngược tình hình nợ công của Anh”.
Phản ứng trước thông tin trên, đồng bảng Anh đã mất giá so với USD, sụt từ 1 bảng đổi 1,5240 USD xuống còn 1,5160 USD. Dù vậy các nhà phân tích cho rằng phản ứng của thị trường sẽ còn mạnh hơn trong tuần tới.
“Đây rõ ràng là một vấn đề lớn. Chúng ta chưa được thấy những phản ứng mạnh đối với đồng bảng Anh do thông tin được công bố khi thị trường New York đã vào cuối phiên giao dịch. Nhưng có thể sẽ có nhiều đợt bán tháo đồng bảng mạnh hơn khi các thị trường (châu Á) mở cửa vào tuần tới”, Kathy Lien, giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ BK Asset Management tại New York nhận định.
Thông tin nước Anh bị đánh tụt bậc tín nhiệm khiến không ít thành viên nghị viện Anh giận dữ. Trong đó đại biểu của đảng Lao động John Mann miêu tả tin tức này là “một vết thương chết người” cho Bộ trưởng Tài chính Osborne và cho rằng đã đến lúc để vị Bộ trưởng ra đi.
Thanh Tùng
Tổng hợp