Ảnh hưởng tháng cô hồn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng nhẹ

(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước, tăng 2,5% o với cùng kỳ năm trước và tăng 2,58% so với tháng 12/2015. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2016 tăng 1,91%.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố CPI tháng 8/2016 và bình quân 8 tháng đầu năm 2016. Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, trong giỏ hàng hóa và dịch vụ của CPI, có 6 mặt hàng, dịch vụ tăng và 5 mặt hàng, dịch vụ giảm.

Ảnh hưởng tháng cô hồn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng nhẹ - 1

Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,18%, Giáo dục tăng 0,47%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; Đồ uống và thuốc lá và Thiết bị và đồ dùng gia đình đều ăng 0,05%.

5 loại hàng, dịch vụ giảm là: Giao thông giảm 1,97%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; Bưu chính viễn thông giảm 0,03% và Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.

Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm tăng CPI chủ yếu đến từ các nhóm hàng và dịch vụ công ích. Trong đó, nhóm hàng và dịch vụ y tế tăng mạnh góp phần tăng CPI tháng 8/2016 khoảng 0,28% do mức giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) của Thông tư liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính, ở 16 địa phương ngày 29/10/2015.

Bên cạnh đó, do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình. Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,16%, giá điện sinh hoạt tăng 0,18%.

Tuy nhiên, do hầu hết nhu cầu mua sắm trong tháng 8/2016 không lớn nên hầu hết các mặt hàng trong tháng 8/2016 không tăng đột biến. Trong đó chủ yếu là hàng ăn, du lịch, mua sắm, đi lại giảm do ảnh hưởng mưa bão. Các yếu tố liên quan ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực và thực phẩm như giá vật liệu nhà ở, chất đốt, và gas cũng điều chỉnh giảm. Riêng mặt hàng xăng dầu có tăng nhưng không đáng kể.

Trên thực tế, tháng 8/2016 trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn - tháng Ngâu) trong quan niệm dân gian nhiều người kiêng mua bán, đi lại và khai trương, xây dựng. Đây cũng là yếu tố văn hóa, lối sống ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng ở các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng...

Về mức lạm phát cơ bản, trong tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ; 8 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Nguyễn Tuyền