Anh giáo làng trở thành triệu phú nhờ…chim trĩ

(Dân trí) - Là một giáo viên miền núi, bề bộn công việc soạn giao án, rồi lên lớp giảng bài... thế nhưng với lòng say mê đọc sách, báo, đặc biệt là ý chí vươn lên thoát nghèo, anh đã tìm cho mình một hướng làm giàu mới, thu nhập lên tới hơn 500 triệu đồng/năm.

Đến xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, hỏi thầy giáo Trịnh Thành Nam với nghề nuôi chim trĩ, thì người trong xã không ai là không biết tới, đơn giản bởi anh là một thầy giáo nhưng với ý chí vươn lên làm giàu, anh đã tìm ra hướng đi mới cho mình cùng nhiều hộ khác trong xã có cách thoát nghèo.

Anh giáo làng trở thành triệu phú nhờ…chim trĩ
Anh giáo làng làm giàu từ nghề nuôi chim trĩ.

Vốn là một giáo viên với đồng lương eo hẹp, ngoài thời gian lên lớp anh lại ngồi hàng giờ bên máy tính để tìm hiểu sách báo cũng như tìm kiếm những cách làm giàu mới, có hiệu quả. Bằng lòng ham mê tìm tòi, qua đọc sách báo anh nhận thấy, con chim trĩ hiện là một đặc sản được ưa chuộng trên thị trường, lại dễ nuôi, ít bệnh tật.

Nhận thấy đây là một nghề mới, không mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc, lại dễ nuôi, nhu cầu tiêu dùng thịt và trứng chim trĩ trên thị trường ngày một cao, ở một số trung tâm đã lai tạo và đã nuôi có hiệu quả, đầu năm 2010, anh đã mạnh dạn vay mượn anh em, bạn bè được 40 triệu đồng để mua 400 con chim giống về nuôi. Mỗi một gian chuồng được anh giăng lưới cẩn thận để đảm bảo chim không bay ra ngoài, trong chuồng được anh bố trí có chỗ ăn, chỗ đậu cho chim.

Anh giáo làng trở thành triệu phú nhờ…chim trĩ
Chim trĩ trong trang trại của gia đình anh Nam phát triển nhanh và cho sản phẩm đều đặn.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh Nam đã gặp không ít khó khăn như cách chăm sóc, thành phần dinh dưỡng thức ăn hàng ngày cho chim... Vì thế, một mặt anh tiếp tục tìm hiểu sách báo, mặt khác tranh thủ những lúc không lên lớp anh lại tìm tới các trang trại nuôi khác trong vùng để học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc chim.

Trời không phụ lòng người, dần dần đàn chim của anh ngày một lớn nhanh hơn, ít bệnh tật và bắt đầu cho sinh sản những lứa trứng đầu tiên. Anh Nam tâm sự: “Lúc đầu mới nuôi chim trĩ mình rất bỡ ngỡ, gặp không ít khó khăn, chi phí tăng. Nhờ học hỏi kinh nghiệm qua sách báo nên kỹ thuật chăm sóc dần được điều chỉnh phù hợp nên tỷ lệ chim sinh sản và tỷ lệ phối giống đạt rất cao”.

Theo anh Nam, đây là loài chim có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh nên dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu là lúa, gạo cùng với một số thức ăn công nghiệp. Chim sau khi nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản, mỗi chim mái cho khoảng 80 trứng/năm. Mỗi năm anh thu được hơn 16.000 quả, với mức giá 40.000 đồng/quả, trừ chi phí lợi nhuận thu về lên tới hơn 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong xã, thu nhập bình quân hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài chim trĩ anh còn nuôi hơn 100 đôi bồ câu, mỗi năm bán thịt, bán giống anh cũng thu lợi cả chục triệu đồng.

Anh giáo làng trở thành triệu phú nhờ…chim trĩ
Trứng chim trĩ cho thu nhập hàng năm trên 500 triệu

Trao đổi về kinh nghiệm nuôi chim trĩ, anh Nam cho biết: “Nuôi chim trĩ không khó nhưng người nuôi phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt, lựa chọn những trứng đảm bảo để khi ấp giống trứng không bị thiếu trống có như vậy tỉ lệ phôi nở mới cao. Đặc biệt là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại khô thoáng, tránh ẩm ướt để hạn chế bệnh cho chim”.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển chim trĩ giống cho bà con, mà trong thời gian tới anh Nam sẽ cung cấp thêm cho thị trường chim trĩ thịt, hiện nay trên thị trường giá khoảng 380.000/1kg, giá chim non giống mới nở là 75.000/con, đây sẽ là cơ hội lớn giúp nghề nuôi chim trĩ phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh giáo làng trở thành triệu phú nhờ…chim trĩ
 Anh Nam đang kiểm tra giống chim bồ câu để nhân rộng cho bà con.

Trao đổi với PV, ông Lê Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: "Hiện nghề nuôi chim trĩ ở Thọ Xuân vẫn là một nghề mới. Anh Nam là người đặt nền móng đầu tiên cho nghề nuôi chim trĩ ở Thọ Xuân. Mặc dù bước đầu lập nghiệp anh gặp không ít khó khăn, song hiệu quả đã minh chứng cho hướng làm giàu đúng đắn của mình. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ xem xét để giúp anh Nam mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương".

Hoàng Văn - Duy Tuyên