“An toàn phòng cháy, chữa cháy” hướng dẫn an toàn khi có sự cố về gas

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chương trình “An toàn phòng cháy, chữa cháy” do Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội phối hợp với các đơn vị sản xuất và sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) phát sóng trên Kênh 1 đang dần thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Bếp gas là thiết bị nhà bếp quen thuộc, được các gia đình sử dụng hằng ngày để đun nấu. Cũng bởi quá quen thuộc nên đa số người dùng thường chủ quan và sử dụng bếp theo cảm tính thay vì đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất. Đã có không ít sự cố cháy nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đến của cải và tính mạng con người.

“An toàn phòng cháy, chữa cháy” hướng dẫn an toàn khi có sự cố về gas - 1

Một số nguyên nhân khiến ngọn lửa đổi màu sang màu đỏ và đây là trường hợp rất hay gặp khi sử dụng gas đun nấu tại các gia đình. Thứ nhất, ngọn lửa đỏ có thể có nguyên nhân từ đáy nồi dính dầu mỡ, cách khắc phục là vệ sinh đáy nồi cho sạch sẽ. Thứ hai, do đầu bếp bị bẩn, dính dầu mỡ hoặc nước, thì cách khắc phục cho nguyên nhân này là vệ sinh thường xuyên. Thứ ba, do bếp đặt ở trong không gian quá hẹp, thiếu oxy cũng gây ra hiện tượng gas đỏ lửa, cách khắc phục là điều chỉnh núm gió ở dưới đáy bếp. Thứ tư: có thể do bình gas sắp hết, nếu bình gas sắp hết thì áp lực trong bình giảm đi và khiến ngọn lửa thường cháy nhỏ hơn nhiều so với bình gas đầy, đồng thời màu sắc ngọn lửa thường đỏ hơn so với bình đầy gas. Đôi khi bình sắp hết gas sẽ có biểu hiện bật bếp nhiều lần không cháy, hiện tượng bám tuyết, đổ mồ hôi ngưng tụ bên ngoài vỏ bình. Hiện tượng ngưng hơi nước bên ngoài vỏ bình gas cũng rất thường gặp, nguyên nhân là do khi gas ở trong bình chuyển từ pha lỏng sang pha hơi sẽ thu bớt nhiệt ở trong bình gas dẫn đến vỏ bình gas bị lạnh, do đó gây ngưng tụ nước ở bên ngoài vỏ bình gas dẫn đến hiện tượng vỏ bình gas đổ mồ hôi. Hiện tượng bình gas đổ mồ hôi hoàn toàn không gây nguy hiểm.

“An toàn phòng cháy, chữa cháy” hướng dẫn an toàn khi có sự cố về gas - 2

Trong trường hợp bất ngờ nhìn thấy bình gas nhà mình bốc cháy với ngọn lửa xì mạnh thì đừng vội lo lắng. Thực tế đã cho thấy khi nhìn thấy bình gas nhà mình bất ngờ bốc cháy, nhiều người tỏ ra sợ hãi và tìm cách chạy thoát thân càng nhanh càng tốt và sau đó là gánh chịu những thiệt hại mà vụ nổ đã gây ra. Tuy nhiên, việc xử lý bình gas cháy nổ không hề phức tạp mà trái lại nó còn vô cùng đơn giản với những thao tác và vật dụng dễ kiếm. Động tác đơn giản nhất là nhanh chóng chạy lại nơi bình gas khéo kéo vặn kín van gas để ngọn lửa tắt dần. Van gas là con đường gas thoát ra nếu ngăn được con đường này thì bình gas sẽ không phát nổ. Nếu nhiệt ở vị trí van làm bạn khó tiếp tận van, hãy tìm kiếm một vật bảo hộ bàn tay sau đó dũng cảm thực hiện, việc khóa van gas nếu làm dứt khoát sẽ rất nhanh chỉ trong vài giây đồng hồ và chúng ta sẽ không bị thương vì nóng.

Có một cách an toàn nhất khi đứng trước một bình gas đang cháy đó chính là sử dụng bình cứu hỏa. Bình cứu hỏa là một vật dụng hết sức quan trọng và mỗi gia đình cần trang bị cho mình không chỉ đề phòng sự cố gas mà còn là sự cố điện hay các sự cố cháy nổ khác. Những bình cứu hỏa có chất chữa cháy là khí CO2 có thể dập tắt hiệu quả nhất những đám cháy do khí gas. Khi có đám cháy nổ bằng khí gas xảy ra, điều quan trọng nhất chính là sự bình tĩnh của con người, cần chạy ngay đến nơi gần nhất xách lấy bình cứu hỏa, tới gần địa điểm cháy giật chốt an toàn, hướng vòi phun vào gốc đám cháy, giữ khoảng cách khoảng 1.5m so với đám cháy, sau đó bóp van để bột chữa cháy hoặc khí chữa cháy phun vào đám cháy.

Hãy chia sẻ những kiến thức này cho người thân trong gia đình để sử dụng gas và bếp gas an toàn; thường xuyên đón xem chương trình “An toàn phòng cháy, chữa cháy” vào lúc 07h20 thứ 7 hàng tuần và phát lại vào 14h15 thứ 3 và 07h40 thứ 4 tuần kế tiếp trên Kênh 1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) để cập nhật cùng chúng tôi những tin tức và nâng cao kỹ năng trong công tác phòng cháy chữa cháy.