1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TP.HCM:

"Ăn không ngon, ngủ không yên" vì bị nhân viên tiền ảo Swiscoin đeo bám

(Dân trí) - Thấy anh C. đi xe SH, xài điện thoại xịn, tay đeo nhẫn vàng…nhóm nhân viên tiền ảo Swiscoin xác định đây là “con mồi” ngon nên lập tức tiếp cận mời chào. Dù không có nhu cầu đầu tư nhưng anh C. vẫn bị nhân viên tiền “ảo” Swiscoin bám “dai như đỉa”.

tienao2-1456099111005

Một nhóm nhân viên tiền "ảo" đang "quây" một khách hàng

Gần 1 tháng qua, anh Vũ C. (ngụ quận 12) ăn không ngon, ngủ không yên vì bị các nhân viên tiền “ảo” Swiscoin quấy rối. Gần chục nhân viên tư vấn cứ thay nhau nhắn tin, gọi điện rủ rê anh C. tham gia vào nhóm của họ.

“Có những khi 12h đêm tôi đang ngủ họ cũng gọi dậy để mời sáng hôm sau tham dự hội thảo. Tuy vậy, đến 5h sáng họ lại gọi điện thông báo lại và năn nỉ tôi đi dự. Nhiều khi đang làm việc họ cũng gọi điện với giọng điệu khẩn cấp để mong tôi tham gia vì sắp nhân đôi, nhân ba…Tôi không hiểu tại sao họ lại có số điện thoại của tôi để gọi điện và tư vấn như thế. Không chỉ tôi, nhiều bạn bè tôi trong nhóm doanh nhân trẻ cũng bị gọi điện làm phiền như thế” - Anh C. bức xúc.

Rơi vào trường hợp như anh C. là chị Đặng Thu Th. (ngụ quận Gò Vấp). Chị Th. cho biết: “Khoảng 1 tuần trước tôi đang đi uống cà phê thì một nhóm ăn mặc lịch sự lại xin làm quen. Sau một hồi nói chuyện họ giới thiệu là nhân viên tư vấn cho dịch vụ tiền “ảo” Swiscoin. Vì là người kinh doanh nên tôi biết tại Việt Nam những hình thức trên chưa được hoạt động nên tôi đã thẳng thắn từ chối. Tuy vậy, vì lịch sự tôi vẫn cho họ danh thiếp để làm quen. Từ hôm đó đến nay các nhân viên đó thay nhau gọi cho tôi để mời chào. Tôi vẫn quyết liệt không nghe máy thì các nhân viên đó chuyển qua nhắn tin. Hết nhắn tin qua điện thoại họ lại nhắn tin qua Zalo. Có những ngày họ nhắn cho tôi cả chục tin nhắn để dụ dỗ mua gói tiền ảo. Họ dùng những lời ngon ngọt và mức lợi nhuận "khủng" lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng để mong tôi tham gia vào hệ thống Swiscoin. Tôi nghĩ đây là hình thức kinh doanh kiểu đa cấp mà sao họ lại manh động như thế”.

Tin nhắn một nhân viên tư vấn đồng tiền ảo Swiscoin gửi cho khách hàng để dụ dỗ
Tin nhắn một nhân viên tư vấn đồng tiền ảo Swiscoin gửi cho khách hàng để dụ dỗ

Không chỉ “khủng bố” bằng tin nhắn, điện thoại, nhân viên tư vấn đồng Swiscoin còn tìm mọi cách giáp mặt với những khách hàng tiềm năng để chèo kéo vào “ma trận” tiền ảo.

“Tôi lạ gì cái trò kinh doanh này, toàn lừa đảo. Thậm chí có người khi vướng vào rồi thì lôi kéo chính người thân, bạn bè của mình vào vòng xoáy đó. Mấy hôm trước tôi đến quán cà phê thì một nhóm nhân viên tư vấn tiếp cận, mời chào. Tôi cũng ngồi nghe thử xem họ nói cái gì, toàn nói thu nhập tiền tỷ mà mua không nổi cái điện thoại đàng hoàng mà xài, nghe choáng quá tôi từ chối thẳng thừng luôn. Giờ làm quần quật còn khó sống huống chi ngồi vạ vật cả đám ở đó đòi có tiền tỷ. Không làm gì mà có tiền thì chỉ có đi lừa đảo” – Ông Vũ Đức H. (ngụ phường 13, quận Tân Bình) kể lại.

Theo các chuyên gia kinh doanh Online tại TP. HCM, hiện nay, không chỉ riêng đồng Swiscoin mà các hình thức mua bán tiền “ảo” tại thời điểm này đều cần phải quản lý chặt chẽ. Tại Việt Nam, hầu như chưa có văn bản pháp quy nào quy định về việc thanh toán thông qua hình thức tiền “ảo”, các quy định về giao dịch thương mại điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt gần đây chưa đề cập đến. Điều này có nghĩa là Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu. Tại Việt Nam thì việc kinh doanh tiền ảo đang ở mức 50/50 (không cấm cũng không cho kinh doanh – PV). Hiện nhiều nước trên thế giới cũng cấm kinh doanh tiền “ảo” vì sự biến tướng của nó.

Một buổi hội thảo của đội ngũ nhân viên tư vấn tiền ảo Swiscoin để phổ biến cách thức dụ dỗ nhà đầu tư
Một buổi hội thảo của đội ngũ nhân viên tư vấn tiền ảo Swiscoin để phổ biến cách thức dụ dỗ nhà đầu tư

Tại Việt nam các hình thức kinh doanh online như Bitcoin, Onecoin, Ilcoin từng có biến tướng bằng các cú lừa đảo hàng ngàn tỉ. Đình đám nhất là năm 2009, Clony Invest cũng dùng hình thức như dạng tiền “ảo” để lừa đảo hàng ngàn khách với số vốn huy động cực “khủng”. Colony Invest cũng giống như Swiscoin là không có đại diện, không đăng ký kinh doanh, không có trụ sở, thu tiền thật, cấp tài khoản và điểm ảo. Số tiền ảo trên không thể chuyển qua tiền thật được nên các hình thức trên đều giống nhau. Vì vậy, để tránh người dân không bị lừa đảo, các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm để hạn chế tối đa sự phát triển của Swiscoin phát sinh tại thời điểm này”.

Xuân Hinh – Trung Kiên

"Ăn không ngon, ngủ không yên" vì bị nhân viên tiền ảo Swiscoin đeo bám - 4