An Giang: Nhà máy quang năng công suất "khủng" thi công "chớp nhoáng"

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Nhà máy quang năng công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trên diện tích 275 ha tại huyện Tịnh Biên (An Giang) đã hoàn thành xây dựng trong thời gian chưa đến 365 ngày.

Ngày 12/1, Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang, với tổng công suất 210MWp đã hoàn thành xây dựng. Đáng nói, dù công trình đồ sộ như vậy nhưng chủ đầu tư cùng các nhà thầu chỉ thực hiện và hoàn thành dự án chưa tới 365 ngày.

Nhìn lại hành trình xây dựng có thể nói là chớp nhoáng, khi tổng thời gian cộng gộp hoàn thành nhà máy quang năng công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trên diện tích 275 ha tại huyện Tịnh Biên - tỉnh An Giang chưa đến 365 ngày.

Trong đó, giai đoạn I, công suất 104 Mwp, đóng điện vào tháng 6/2019, giúp Sao Mai ổn định dòng tiền ngay trong thời điểm kinh tế thế giới đối mặt với khủng hoảng kép do dịch viêm phổi cấp càn quét.

An Giang: Nhà máy quang năng công suất khủng thi công chớp nhoáng - 1

Cánh đồng điện mặt trời dưới chân Bảy Núi - An Giang 

Giai đoạn II của đại công trình Áp xanh được đấu nối vào ngày 2/12/2020 chỉ sau 80 ngày xuyên suốt xây dựng, và doanh thu từ bán điện cho EVN được xác lập vào ngày 15/12/2020.

Như vậy, từ năm 2021 trở đi, Nhà máy tại An Giang sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đánh giá dự án sẽ đóng góp khoảng 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia, công trình cũng góp phần tạo diện mạo mới trên vùng đất kém hiệu quả Bảy Núi - An Giang, làm khởi sắc chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư miền núi.

Tuy nhiên, theo ông Bình dự án cũng đã ảnh hưởng đến 400 hộ dân (bán đất cho DN làm dự án), chính vì điều này, ông Bình yêu cầu nhà đầu tư trong thời gian tới, tạo điều kiện để con em những nông dân này được vào làm việc tại nhà máy hoặc các công ty, đơn vị mà Tập đoàn Sao Mai đang đầu tư trên địa bàn An Giang.

Dự án đã chiếm một diện tích đất lớn nên thời gian tới DN cần đầu tư phát triển thêm du lịch từ cánh đồng năng lượng mặt trời; đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao dưới tấm pin năng lượng, vừa tăng nguồn thu cho DN, vừa tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.