An Giang: Hiệu quả từ chuyển đổi cầy trồng trên vùng đất cù lao Chợ Mới

(Dân trí) - Chợ Mới là huyện cù lao, bốn bề được sông Hậu và sông Tiền ôm trọn, vì thế nông nghiệp là hướng đi chủ lực của vùng đất này. Tuy nhiên, với những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống lâu này không giúp bà con vương lên khá, giàu.

Từ nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang, huyện Chợ mới giúp người dân mạnh dạng chuyển đổi cây trồng, từ lúa sang màu, cây ăn trái. Nhờ đó, thu nhập bà con nông dân tăng lên gấp 3 lần so với các mô hình sản xuất cũ.

Huyện Chợ mới có diện tích tự nhiên hơn 36.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 24.000ha (lúa hơn 13.000ha, màu hơn 4.000ha, cây ăn trái gần 7.000ha). Dân số hơn 347.000 người nhưng có đến 90% người dân sống ở nông thôn. Trong khi đó đất đai manh mún, bình quân 0,3ha/hộ, do vậy việc phát triển kinh tế nông nghiệp là hết sức khó khăn, nhất là các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ có quy mô lớn.

An Giang: Hiệu quả từ chuyển đổi cầy trồng trên vùng đất cù lao Chợ Mới - 1

Từ năm 2014 đến nay huyện đã chuyển dịch từ lúa sang màu, cây ăn trái được hơn 7.600ha

Từ Nghị quyết 09 của Ban chấp hành Tỉnh ủy An Giang về phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Ban chấp hành huyện ủy Chợ Mới bắt tay vào cuộc, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, xác định mục tiêu cần phải chuyển đổi cây trồng, gắn với liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Để công tác chuyển dịch cơ cấy cây trồng thật sự có hiệu quả, huyện Chợ Mới tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, hoàn thiện bờ bao kiểm soát lũ triệt để, đảm bảo sản xuất 03 ăn chắc. Hoàn thiện dự án Nam Vàm Nao, trạm bơm mẫu mương Ông Cha, xây dựng 166 công trình đê kết hợp với giao thông nội đồng… Do vậy, hệ thống giao thông, thủy lợi khá hoàn chỉnh.

Trên cơ sở giao thông, thủy lợi đồng bộ, việc chuyển đổi cây trồng được bà con nông dân đồng thuận hơn cao. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay huyện đã chuyển dịch từ lúa sang màu, cây ăn trái được hơn 7.600ha, trong đó chuyển đổi từ đất lúa là 5.800ha (lúa sang màu hơn 2.800ha, lúa sang cây ăn trái hơn 2.900ha); chuyển đổi từ đất màu sang cây ăn trái hơn 1.700ha. Đặc biệt có 04 xã Tân Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân và Mỹ An đã chuyển dịch 100% sang diện tích màu và cây ăn trái.

An Giang: Hiệu quả từ chuyển đổi cầy trồng trên vùng đất cù lao Chợ Mới - 2

Cây xoài ba màu được xem là cây chủ lực của huyện Chợ Mới và phấn đấu 500ha xoài đạt chứng nhận VietGap, đảm bảo chất lượng xuất sang Mỹ

Nhờ chuyển đổi cây trồng, thu nhập bình quân diện tích chuyển đổi sang màu tăng 3,4 lần; cây ăn trái tăng 2,8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, giá sản xuất bình quân cây lúa đạt trên 114 triệu đồng/ha, cây màu đạt 392 triệu đồng/ha, cây ăn trái đạt đến 321 triệu đồng/ha.

Ông Vũ Minh Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết, để sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hướng đến xuất khẩu sang thị trường ngoài nước, huyện đã kết hợp với tỉnh thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu với quy mô 500ha đạt chuẩn VietGap gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”, kinh phí thực hiện khoảng 29 tỷ đồng. Đến nay đã chứng nhận 311ha, diện tích còn lại dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019”.

Cũng theo ông Thao, từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kết quả cho thấy đã góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích đất canh tác của huyện Chợ Mới, cụ thể năm 2018 giá trị sản xuất trung bình 01ha đất nông nghiệp của huyện là 316 triệu đồng, tăng 94 triệu đồng/ha so với năm 2014. Từ đó, giúp người nông dân thoát nghèo vươn lên khá, giàu ngày càng nhiều, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2014.

An Giang: Hiệu quả từ chuyển đổi cầy trồng trên vùng đất cù lao Chợ Mới - 3

Từ chuyển cây lúa sang cây xoài, hiện nay thu nhập người dân tăng lên 2,8 lần, nhiều hộ vương lên khá, giàu.

Từ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng bước đầu đã mang lợi hiệu quả cao trong nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, tuy nhiên huyện Chợ Mới cũng nhân ra những khó khăn như việc một số người dân chuyển dịch cây trồng tự phát, chưa theo quy hoạch gây khó khăn cho công tác quản lý và tiêu thụ nông sản; chưa áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, vẫn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm địa phương còn hạn chế nên sản phẩm của Chợ Mới vẫn chưa được nhiều thị trường biết đến…

Do đó, thời gian tới Chợ Mới tiếp tục tổ chức trong sản xuất, liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng hàng hóa, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học để chất lượng nông sản luôn ổn định, đảm bảo đầu ra cho nông sản.

Nguyễn Hành