Ấn Độ: Tham vọng tự lực đã rõ

(Dân trí) - Tham vọng Ấn Độ tự cường của chính quyền Thủ tướng Modi tập trung vào việc cải thiện thu nhập và năng suất của phần lớn lực lượng lao động.

Cuối tháng 9/2020, phát biểu tại phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tuyên bố về chính sách Atmanirbhar Bharat, tức Ấn Độ "tự cường", kỳ vọng đưa quốc gia này trở thành nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Ấn Độ: Tham vọng tự lực đã rõ - 1

Ấn Độ chỉ có thể tự lực thành công nếu sử dụng hợp lý nguồn lực 900 triệu dân trong độ tuổi lao động (Ảnh: Reuters).

Sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là khi Ấn Độ trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới trong đợt bùng phát gần đây, đã dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ của cung và cầu trong nền kinh tế. Các nhà phân tích quan ngại sự suy giảm tổng cầu trong dài hạn, tức chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đầu tư và xuất khẩu.

Ngay cả trước đại dịch, xu hướng này đã hiển hiện trong nền kinh tế Ấn Độ khi chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP Ấn Độ - đã giảm mạnh từ mức 68% GDP năm 1990 xuống còn 56% GDP vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng cũng suy yếu, đi kèm với đó là tăng trưởng đầu tư giảm do đầu tư hộ gia đình vào lĩnh vực xây dựng giảm thiểu, ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp chính của quốc gia như thép, điện, xi măng.

Tham vọng Ấn Độ tự cường của chính quyền Thủ tướng Modi tập trung vào việc cải thiện thu nhập và năng suất của phần lớn lực lượng lao động.

Có hai con đường để thúc đẩy tham vọng này.

Thứ nhất, khuyến khích nông dân chuyển từ canh tác ngũ cốc sang trồng cây nông nghiệp, công nghiệp và sản phẩm chăn nuôi. Kinh nghiệm cải cách nông nghiệp của Trung Quốc trong những năm 1970 cho thấy việc chuyển đổi này mang lại hiệu ứng tích cực giúp nông dân tăng thu nhập, dẫn đến tăng nhu cầu và tăng chi tiêu, thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa.

Thứ hai, chuyển lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, sản xuất. Ấn Độ thường được biết đến như một nền kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch rất cao mặc dù gần như bỏ qua giai đoạn sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng rất nhanh kể từ những năm 1990, khu vực sản xuất gần như "giậm chân tại chỗ" với mức đóng góp 14-16% GDP cho quốc gia từ những năm 1970 đến nay.

Nguyên nhân chính là quốc gia Nam Á hoàn toàn bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, bao gồm hàng loạt lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, chip vi xử lý, laptop, điện thoại. Thật không may, trong khi Ấn Độ tụt hậu thì Mỹ, châu Âu và Đông Á đã thiết lập những vị trí vững chắc không thể lay chuyển.

Vẫn còn cơ hội cho Ấn Độ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 trước mắt, nếu nước này bắt kịp cuộc đua trong hàng loạt lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, pin nhiên liệu, năng lượng xanh, công nghệ vũ trụ… Và Ấn Độ chỉ có thể tự lực thành công nếu sử dụng hợp lý nguồn lực 900 triệu dân trong độ tuổi lao động, với tuổi đời bình quân 27, như cái cách mà Trung Quốc đã làm trước đây. Cơ cấu nhân khẩu học với dân số trẻ đang đưa Ấn Độ vào một vị thế có lợi ở thời điểm mà các nền kinh tế khổng lồ như Nhật Bản, EU, Mỹ, thậm chí cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang chứng kiến dân số già đi.

Hiện quốc gia Nam Á này được mệnh danh là trung tâm lắp ráp thiết bị điện tử bao gồm smartphone, điện tử tiêu dùng, đồng thời là trung tâm sản xuất thuốc và dược phẩm của thế giới. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành hiện ở mức thấp, dưới 30% do đa số linh kiện, nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu. Đó là lý do vì sao chính quyền ông Modi tự tin tham vọng "sản xuất tại Ấn Độ" với mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị, tạo đà cho doanh nghiệp nội là hướng đi đúng đắn.

Chính quyền ông Modi tham vọng đưa các doanh nghiệp nội trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ", "Lắp ráp tại Ấn Độ", hướng tới các lĩnh vực trọng tâm là các ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may, y tế và chăm sóc sức khỏe... Cùng với đó là sự kết hợp mật thiết với chính sách thu hút vốn FDI để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp cận công nghệ tiên tiến, xuất khẩu.