Ấn Độ "mở toang" thị trường nội địa cho nhà đầu tư nước ngoài
(Dân trí) - Ngày 14/9 chính phủ Ấn Độ vừa có một quyết định mang tính bước ngoặt để thu hút đầu tư nước ngoài khi mở cửa hàng loạt lĩnh vực kinh tế then chốt, bao gồm bán lẻ, năng lượng và hàng không.
Quyết định trên của chính phủ Ấn Độ được xem là đầy bất ngờ bởi hồi năm ngoái một dự thảo mở cửa thị trường tương tự đã bị các đảng phái chính trị nước này chỉ trích gay gắt. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế đang được nước này triển khai nhằm khôi phục đà tăng trưởng vốn đang rất ảm đạm.
Cụ thể Ấn Độ sẽ lần đầu tiên cho phép các hãng bán lẻ nước ngoài được nắm cổ phần tối đa 51% tại các nhà bán lẻ sở hữu chuỗi siêu thị trong nước. Tuy nhiên mỗi bang của nước này sẽ có quyền quyết định xem liệu nhà bán lẻ nước ngoài đó có được hoạt động tại bang mình hay không.
“Đây là một quyết định lịch sử đối với quá trình cải cách kinh tế của Ấn Độ”, Rajan Bharti Mittal, đại diện của Bharti Enterprises, một đối tác trong liên doanh với hãng bán lẻ Wal-Mart của Mỹ nhận định. Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định những cải cách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Tôi tin rằng những bước đi này sẽ giúp củng cố quá trình tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm trong thời gian khó khăn này”, ông Manmohan Singh viết trên trang cá nhân Twitter đồng thời kêu gọi công chúng ủng hộ chính phủ.
New Delhi cho rằng các nông dân sẽ được hưởng lợi bởi sản phẩm của họ sẽ ít hư hỏng hơn, các nhà bán lẻ quy mô nhỏ cũng buộc phải cạnh tranh, nâng cao hiệu quả giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm giá rẻ hơn với chất lượng cao hơn. Ngoài ra chính sách này cũng giúp đem đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài cùng ngoại tệ mà Ấn Độ đang rất cần.
Bộ trưởng Thương mại Anand Sharma cho biết, hiện tại khoảng 35 – 40% nông sản của nước này bị thối rữa trước khi đến được với các cửa hàng. Theo quy định của Ấn Độ, ít nhất 50% các khoản đầu tư nước ngoài phải được dành cho hạ tầng sau thu hoạch, bao gồm chế biến, phân phối và bảo quản. “Nó sẽ giúp tạo ra rất nhiều việc làm cho nông thôn Ấn độ”, ông Sharma tin tưởng.
Tuy nhiên các đảng phái đối lập, thậm chí một số đồng minh của ông đã cho rằng quyết định cho phép các chuỗi siêu thị quốc tế thâm nhập thị trường sẽ khiến các nhà bán lẻ nhỏ hơn cũng như nông dân bị tổn thương. “Quyết định này sẽ khiến hàng triệu người dân Ấn Độ mất việc”, D. Raja, một đại biểu quốc hội của đảng Cộng sản Ấn Độ khẳng định với kênh NDTV.
Đối với lĩnh vực hàng không, New Delhi cũng chính thức gỡ bỏ lệnh cấm các hãng hàng không trong nước bán cổ phần cho các hãng hàng không nước ngoài với tỷ lệ được phép bán lên tới 49%. Trước đó các nhà đầu tư nước ngoài không phải các hãng hàng không cũng đã được mua tối đa 49% cổ phần của các hãng hàng không Ấn Độ.
Thời gian qua, do chi phí nhiên liệu tăng cao cùng sự cạnh tranh quyết liệt ở trong nước, hầu hết các hãng hàng không Ấn Độ đều trong tình trạng thua lỗ và thiếu vốn. Jet Airways, hãng hàng không lớn nhất nước này từ hơn hai năm qua đã tìm cách huy động vốn thông quá bán cổ phần nhưng chưa thành công.
Trong khi đó Kingfisher đã có ít nhất 5 năm thua lỗ liên tục. Cổ phiếu của hãng này trong năm ngoái giảm tới 65%. Tháng trước hãng này công bố sẽ bán và cho thuê lại một số máy bay để giảm bớt 400 triệu USD nợ đọng. Ước tính số nợ của các hãng hàng không Ấn Độ tính đến ngày 31/3/2012 vừa qua xấp xỉ 20 tỷ USD. Theo dự báo của hãng Boeing, đến năm 2031, Ấn Độ sẽ cần thêm khoảng 1450 máy bay mới với chi phí đầu tư khoảng 175 tỷ USD.
Ngoài 2 lĩnh vực trên chính phủ nước này cũng đã nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài đối với ngành truyền hình và truyền tải điện nhằm tạo nền tảng cho hoạt động mua bán điện của các công ty. Bên cạnh đó chính quyền của thủ tướng Manmohan Singh cũng chấp thuận bán lượng cổ phần hạn chế ở các doanh nghiệp ngành xăng dầu, đồng, nhôm cũng như tổng công ty Metals & Minerals Trading mà chính phủ đang nắm giữ.
Thanh Tùng
Theo AP và Bloomberg