Xung quanh vụ cấm Coca Cola và Pepsi ở Ấn Độ

Ấn Độ đang “đuổi” các nhà đầu tư nước ngoài?

(Dân trí) - Sau hơn 1 thập kỷ “đánh bóng hình ảnh” bằng cải cách kinh tế, công sức của Ấn Độ dường như đang… trôi ra sông ra bể sau vụ cấm đoán ầm ĩ các sản phẩm Coca Cola và Pepsi. Giờ đây trong mắt các nhà đầu tư, thị trường hơn 1 tỷ dân này không còn mang dấu hiệu an toàn.

Hai gã khổng lồ đứng đầu ngành nước ngọt hiện đang chìm trong “cơn ác mộng” khi 6 bang lớn của Ấn Độ, không “nể nang” gì các đại gia thế giới, lần lượt ra lệnh cấm toàn bộ hoặc hạn chế hoạt động mua bán sản phẩm Coca Cola và Pepsi.

 

“Hành động này vô hình chung đã “phanh” lại nhịp bùng nổ của nền kinh tế Ấn Độ” - Trưởng ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ Franklin Lavin phát biểu trước phóng viên AFP.

 

Đây không phải lần đầu tiên rắc rối xung quanh vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu trong nước ngọt nảy sinh tại Ấn Độ. Trong khi 2 công ty Coca Cola và Pepsi hiện đang ra sức lên chiến dịch họp báo, gặp gỡ người tiêu dùng để đính chính thì các nhà quan sát đưa ra nhận định lý thú: “trùng hợp” làm sao khi lãnh đạo 6 bang ra lệnh cấm đều là những người lâu nay vốn luôn kì thị với xu hướng mở cửa và các công ty nước ngoài.

 

“Tôi hy vọng các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và thế giới nói chung không coi sự kiện này là cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, có thể đây chỉ là 1 vấn đề liên quan chính trị, và nhà đầu tư cần phải có tầm nhìn rộng hơn. Nhìn xa trông rộng mới giúp họ tồn tại được lâu dài” - trích lời ông Kiran Pasricha, người đứng đầu Liên hiệp Công nghiệp Ấn Độ.

 

Vụ việc rùm beng khi cách đây không lâu, Trung tâm khoa học và môi trường Ấn Độ bất ngờ tuyên bố: 11 loại nước ngọt mang nhãn hiệu Coca-Cola và Pepsi chứa dư lượng kháng sinh cao gấp 24 mức quy định do chính phủ Ấn Độ ban hành.

 

Ngay lập tức, hai công ty Mỹ “phản công”: thứ nhất, định mức quy định đó chưa mang tính ràng buộc pháp lý; thứ hai, nước ngọt của họ đạt tiêu chuẩn an toàn không chỉ ở riêng Ấn Độ mà cả ở châu Âu - nổi tiếng là thị trường kỹ tính nhất thế giới.

 

“Nước ngọt Coke bạn uống ở Ấn Độ cũng tinh khiết như bất kỳ lon Coke nào bạn mua ở Paris” - Kenth Kaerhoeg, giám đốc truyền thông của Coca Cola tại châu Á khẳng định.

 

Bất luận thế nào, theo lệnh chính thức từ tòa án tối cao Ấn Độ, hai “ông lớn” sẽ có vỏn vẹn 6 tuần để tiết lộ công thức chế tạo sản phẩm. Đối với 1 công ty coi bí quyết thương mại là sự sống còn như Coca Cola, đây quả là nhiệm vụ bất khả thi. Cho đến nay, hai đại gia này vẫn chưa cho biết liệu họ có tuân thủ lệnh của tòa an hay không.

 

Đã hơn 1 lần, Coca Cola và Pepsi bị “tống cổ” ra khỏi thị trường Ấn Độ. Đó là vào năm 1977, khi các quan chức chính phủ nước này cảm thấy “chướng mắt” trước sự “lép vế” của nhà đầu tư trong nước và việc các công ty nước ngoài không chịu san sẻ bí quyết công nghệ, ví dụ như công thức sản phẩm tuyệt mật của Coke.

 

Lệnh cấm kéo dài 16 năm, cho đến mãi năm 1993 - 2 năm sau khi Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế với tham vọng theo kịp tăng trưởng thần kỳ của gã láng giềng Trung Quốc.

 

Hoa Kỳ hiện đang là đối tác đầu tư lớn nhất của Ấn Độ, chiếm 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp vào nước này (năm ngoái đạt mức cao nhất là 1 tỷ USD). Sự việc cấm đoán rùm beng lần này không chỉ bào mòn niềm tin của các nhà đầu tư Mỹ mà còn làm dấy lên nỗi lo ngại từ giới kinh doanh trong nước. Hai cơ quan lớn nhất đại diện tiếng nói ngành công nghiệp Ấn Độ đã không ngần ngại chỉ trích: lệnh cấm này chỉ làm xấu hình ảnh đất nước trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài mà thôi.

 

Khôi Vinh

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm