Ấn Độ cải cách mạnh bạo trên thị trường bán lẻ

(Dân trí) - Sau nhiều năm cân nhắc, tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã quyết định mở cửa thị trường bán lẻ trong nước. Đây được coi là cải cách mang tính cách mạng mạnh bạo nhất trong ngành tiêu dùng của nước này.

 
Ấn Độ cải cách mạnh bạo trên thị trường bán lẻ - 1
Ấn Độ cho phép các công ty nước ngoài nắm giữ 51% cổ phần trong các tập đoàn bán lẻ đa thương hiệu (ảnh CTI).
 
Theo đó, chính phủ cho phép các công ty nước ngoài nắm giữ 51% cổ phần trong các tập đoàn bán lẻ đa thương hiệu, đồng thời nâng mức hạn chế đầu tư nước ngoài từ 51% hiện nay lên 100% đối với các tập đoàn bán lẻ có thương hiệu.

 

Động thái này sẽ mở đường cho các hãng bán lẻ lớn nhất thế giới như Wal-Mart (Mỹ), Carrefour (Pháp) hay Tesco (Anh),  chinh phục thị trường thị trường bán lẻ trị giá 450 tỷ USD của Ấn Độ trong khi các thị trường phương Tây đang bão hòa.

 

Các hãng bán lẻ lớn như Wal-Mart hay Tesco luôn khát khao được khai thác đối tượng khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu của một trong những thị trường mới nổi lớn nhất thế giới này.

 

Ông Gibson Vedamani, thuộc ban giám đốc Hiệp hội bán lẻ Ấn Độ, cho hay, sự thay đổi trong chính sách của lĩnh vực bán lẻ này giúp cho người tiêu dùng Ấn Độ có nhiều lựa chọn hơn.

 

Những người ủng hộ quyết định này cho rằng việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các tập đoàn nước ngoài sẽ giúp tăng hiệu quả chuỗi cung ứng thực phẩm, giúp giảm giá cả và tỷ lệ lạm phát đang ở mức gần 10% của Ấn Độ.

 

Tuy nhiên, quyết định này cũng gặp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia và các cửa hàng bán lẻ trong nước. Họ cho rằng việc mở cửa này sẽ “giết chết ngành bán lẻ trong nước”, khiến các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ phải đóng cửa.

 

Theo dự báo của công ty tư vấn Technopak trong tổng trị giá 470 tỷ USD năm tới của thị trường bán lẻ Ấn Độ, sẽ chỉ có 26 tỷ USD là doanh thu từ các chuỗi bán lẻ nội địa.

Sau khi quyết định trên được công bố, hàng nghìn chủ các cửa hàng bán lẻ nhỏ cửa Ấn Độ đã xuống đường biểu tình.

 
Ngọc Trang
Theo Telegraph/AFT