Âm thầm cạnh tranh lãi suất
Tình trạng đẩy lãi suất huy động cao vượt trần đang xuất hiện trở lại. Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự vững chắc.
Huy động vốn bằng lãi suất cao
Trần lãi suất huy động ngắn hạn với tiền đồng hiện nay là 7,5%/năm. Dù phần lớn ngân hàng đều “than thở” vì thừa vốn, khó cho vay, song theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều ngân hàng hiện vẫn tung ra các chương trình khuyến mãi, như tặng tiền, tặng quà, bốc thăm, quay số trúng thưởng… để thu hút khách gửi tiền.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank khẳng định, thanh khoản tiền đồng của hệ thống chưa hẳn dồi dào, nhất là sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp để hạ sâu lãi suất thì huy động vốn có dấu hiệu chậm lại. Nhiều nơi, cả nông thôn lẫn thành thị, tình hình huy động vốn khá căng thẳng. Một số ngân hàng thương mại đưa lãi suất lên cao để cạnh tranh thu hút vốn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, tuy mức độ đồng thuận của các ngân hàng hiện đã cao hơn trước, song thực tế trên thị trường vẫn còn những cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó hình ảnh ngân hàng.
Thanh khoản của hệ thống chưa thực sự vững mạnh cũng chính là lý do khiến đề xuất giảm lãi suất huy động xuống còn 5 - 6%/năm của một số ngân hàng gây ra nhiều lo ngại. “Thị trường tiền tệ hiện bắt đầu có vấn đề. Nếu lãi suất giảm thêm, dù chỉ rất nhẹ cũng sẽ làm thị trường méo mó”, ông Bảo cảnh báo.
Về vấn đề này, chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, vốn của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, dồi dào hơn trước, song thanh khoản của hệ thống không đồng đều. Theo ông Bình, nếu giảm tiếp trần lãi suất huy động thì có nguy cơ một số ngân hàng rơi vào khó khăn. Do đó, từ nay đến cuối năm, trần lãi suất huy động tiền đồng sẽ được duy trì ổn định, hoặc nếu giảm cũng chỉ giảm rất nhẹ.
Chất lượng tín dụng vẫn đáng lo
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, từ nay đến cuối năm, tín dụng ngân hàng phải tăng thêm 9%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra thận trọng.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank nhận định, nhìn chung chất lượng tín dụng vẫn chưa được cải thiện; tỷ trọng nợ xấu giảm, nhưng chất lượng tín dụng không tăng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng hiện nay không quá khó, song do sức khoẻ doanh nghiệp đang xuống cấp trầm trọng, nên tiềm ẩn không ít rủi ro trong tín dụng.
Dẫn chứng về rủi ro này, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, số doanh nghiệp xếp hạng tốt (++) đã giảm mạnh. Dù Vietcombank tập trung rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, song nợ xấu trong các lĩnh vực này đang bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh do tồn kho thủy sản, tồn kho lương thực đều tăng cao, giá tồn kho cao hơn giá thị trường.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP TiênPhong Bank khẳng định, TienPhong Bank sẽ gửi văn bản kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn 12%, với lời cam kết về an toàn tín dụng.
“Chúng tôi hiểu cái giá phải trả cho nợ xấu, hiện hầu hết các ngân hàng đều chú trọng tới chất lượng tín dụng. Việc cấp tín dụng đã chặt chẽ hơn trước. Chúng tôi có kinh nghiệm từ thời bùng nổ tín dụng cho vay dễ trước đây, nên hiện thận trọng hơn rất nhiều. Dù kiến nghị tăng trưởng tín dụng trên 12%, song chúng tôi đảm bảo an toàn, đầu tư có mục đích, chứ không phải cấp vốn cho những lĩnh vực mức độ rủi ro cao”, ông Hưng nói.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, để tín dụng có thể tăng một cách lành mạnh, cần mở ngay van đầu tư công và gỡ các ách tắc trong xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về xử lý tài sản đảm bảo.
Theo Thùy Liên
Đầu tư