1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ám ảnh lạm phát, VN-Index giảm sâu hơn 5 điểm

(Dân trí) - Với các nhận định của giới phân tích cho rằng, CPI tháng 8 khả năng tăng cao và sẽ đe dọa đến mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm, thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng tiêu cực, trong đó nhiều mã lớn bị bán mạnh.

CPI tháng chủ yếu bị tác động bởi giá xăng dầu và đang tạo hiệu ứng tiêu cực lên TTCK.
CPI tháng chủ yếu bị tác động bởi giá xăng dầu và đang tạo hiệu ứng tiêu cực lên TTCK.

Phiên giao dịch sáng cuối tuần, với thanh khoản khiêm tốn, VN-Index tiếp tục trượt dốc mất thêm 5,44 điểm tương ứng 1,1%, chỉ số lùi sâu về 490,68 điểm. HNX rơi vào tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, mặc dù tăng 0,01 điểm tương ứng 0,01% lên 61,86 điểm song số mã giảm ở con số 53 trong khi chỉ có 42 mã tăng điểm.

Khối lượng giao dịch HSX ở mức thấp, đến thời điểm hiện tại chỉ đạt 23,9 triệu cổ phiếu tương ứng 487 tỷ đồng. HNX có 11,3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá 94 tỷ đồng.

Diễn biến xấu của thị trường diễn ra giữa bối cảnh các cổ phiếu lớn bị bán mạnh, thông tin dự báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 không mấy khả quan.

Theo thông tin được ông Nguyễn Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cung cấp, CPI tháng 8 so với tháng 7 có thể khá cao do tác động của giá xăng dầu, tình hình mưa bão và giá dịch vụ y tế tại Hà Nội. Trong khi đó, giá điện tăng 5% áp dụng từ 1/8 sẽ tác động đến CPI của tháng 9 vì hóa đơn tiền điện thanh toán cuối tháng nằm trong chu kỳ tính CPI tháng 9.

Một số báo cáo ngày của các công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định, CPI tháng 8 có thể sẽ tăng 1,4-1,5% so với tháng 7 (nhận định của VCSC). Các khối phân tích của các công ty khác như HSC, SSI dự báo, lạm phát cả năm có thể ở mức 7,5%; BSC dự báo 7-8%, và như vậy, mục tiêu kiềm giữa lạm phát cả năm đang bị đe dọa.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều mã lớn bị bán mạnh đã kéo theo diễn biến xấu cho 120 mã. Đáng kể là VNM, với tình trạng bị khối ngoại bán ròng trở lại, cổ phiếu này đã mất thêm 4.000 đồng – mức thiệt hại lớn nhất trên HSX thời điểm này.

Ngoài ra, VIC, DHG cùng mất 1.000 đồng, BVH mất 700 đồng. DPM, VCB, GAS, STB, MSN, HAG đều đỏ điểm. 23 trong số 30 mã thuộc VN30 giảm giá đã khiến chỉ số rổ này mất 4,71 điểm tương ứng 0,86%.

Trong khi đó, diễn biến về lượng cũng trở nên xấu đi. Toàn sàn HSX chỉ có 3 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là HAR, ITA và PVT. HNX có hai mã là SHB và SHS, trong đó SHB khớp 2 triệu cổ phiếu và SHS khớp 1,28 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại đã bán ròng 4 phiên liên tiếp (tính đến chốt phiên hôm qua).

Khối ngoại đã bán ròng 4 phiên liên tiếp (tính đến chốt phiên hôm qua).

Sự xuất hiện của lực cầu khối ngoại sáng nay khá mờ nhạt với khối lượng mua vào tập trung vào KBC, HPG và DPM, mua hơn 100 nghìn cổ phiếu mỗi mã. Đây có thể là phiên thứ 5 liên tiếp khối ngoại thực hiện bán ròng trên HSX.
 
Trên HNX, khối ngoại chỉ mua ròng 300 nghìn cổ phiếu SHB và bán ròng hơn 200 nghìn cổ phiếu VCG, và gần 120 nghìn cổ phiếu PVX. Mặc dù mua vào 221 nghìn cổ phiếu PVS nhưng nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng xả ra 244,5 nghìn cổ phiếu này.

Mặc dù chỉ chiếm 10-15% giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng thời gian gần đây, sức ảnh hưởng mang tính dẫn dắt của khối ngoại càng thể hiện rõ nét.

Mai Chi