Ai sẽ mua tài sản của BP tại Việt Nam?

Nhiều công ty dầu mỏ Ấn Độ đang có mặt tại Hà Nội để đàm phán mua lại các tài sản của BP ở Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi có thông tin Tập đoàn BP sẽ bán bớt tài sản để lập quỹ xử lý dầu tràn ở vịnh Mexico.

Tập đoàn BP vào Việt Nam đầu tư kinh doanh từ năm 1989, hoạt động chủ yếu trong ngành khai thác dầu khí, sản xuất kinh doanh dầu nhớt, khí hoá lỏng (LPG), cung ứng dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản xuất điện.

Tâm điểm Nam Côn Sơn

Ai sẽ mua tài sản của BP tại Việt Nam? - 1
Dàn khoan khai thác dầu khí Lan Tây, dự án Nam Côn Sơn. (Ảnh: internet)
 
Từ ngày 21/7, các quan chức bộ dầu khí Ấn Độ và lãnh đạo các tập đoàn và công ty dầu khí hàng đầu nước này đã có mặt tại Hà Nội. Các doanh nghiệp này gồm Tập đoàn Khí đốt Ấn Độ (ONGC), Tập đoàn Dầu Ấn Độ (IOC), Công ty vận chuyển khí đốt Gail India, và Công ty dầu khí Oil India.

Các tài sản mà Ấn Độ đang muốn mua lại là cổ phần của BP trong dự án khai thác khí đốt Nam Côn Sơn, dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn, và nhà máy điện Phú Mỹ 3. Tổng giá trị tài sản của BP trong các dự án này vào khoảng 1,3 tỉ USD. BP dự kiến bán tất cả các tài sản liên quan đến khai thác dầu khí tại Việt Nam và Pakistan, trừ mảng kinh doanh dầu nhớt.

Báo Economic Times ngày 22/7 dẫn lời Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ, ông Murli Deora: “Đây là những tài sản tốt và công ty chúng tôi rất quan tâm đến. Chúng tôi đang trong giai đoạn bàn thảo".

Cũng theo Economic Times, ông Deora đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc mua lại tài sản của BP trong ngày 22/7. Phía Ấn Độ cũng sẽ có cuộc gặp với Petro Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, hãng BP đang cân nhắc bán các tài sản ở Colombia, Venezuela để lấy tiền chuyển vào quỹ xử lý dầu tràn ở vịnh Mexico. Quỹ 20 tỉ USD được lập theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Barrack Obama nhằm trang trải các chi phí dọn sạch dầu loang, làm sạch môi trường và bồi thường thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Cũng theo Economic Times, các công ty dầu khí Trung Quốc như Tập đoàn khai thác dầu mỏ xa bờ CNOOC và Tập đoàn hoá dầu Sinopec, cùng với Công ty dầu khí Thái Lan PTTEP cũng đang rất quan tâm đến việc mua các tài sản của BP tại Việt Nam.

Tài sản của BP tại Việt Nam

Công ty dầu khí quốc tế của Ấn Độ ONGC Videsh Limited (OVL), một chi nhánh tại Việt Nam của ONGC, hiện đang nắm giữ 45% cổ phần của dự án khai thác khí đốt Nam Côn Sơn. Từ tháng 5/1988, OVL bắt đầu thăm dò khí đốt ở bể Nam Côn Sơn. Đến năm 1989 thì phát hiện ra khí đốt trong khu vực bể này.

Theo ông RS Sharma, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ONGC, ban đầu OVL sở hữu toàn bộ dự án, nhưng sau đó đã bán lại 35% cổ phần cho BP trong cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối những năm 1990.

Theo một thoả thuận với chính phủ Việt Nam, dự án khai thác khí đốt Nam Côn Sơn phải chuyển nhượng 20% cổ phần cho Petro Việt Nam khi bắt đầu khai thác khí đốt. Cổ phần của công ty BP hiện nay còn lại trong dự án này là 26,66%.

Khoảng 30% sản lượng khí đốt (tức khoảng 12 triệu m3/ngày) khai thác từ Nam Côn Sơn được chuyển vào đường ống khí đốt Nam Côn Sơn dài 370 km đến nhà máy điện Phú Mỹ 3. “Sản lượng dự tính sẽ tăng lên 15 triệu m3/ngày”, Giám đốc điều hành OVL, RS Butola cho biết trên báo Economic Times.

Tại dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn trị giá 565 triệu USD, BP nắm giữ 32,33% cổ phần. Các đối tác khác của dự án này là ConocoPhillips (16,7%), và PetroVietnam (51%). Tại nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 412 triệu USD, BP nắm 34% cổ phần, các cổ đông khác gồm có NI của Nhật Bản (33%) và Semb Corp (33%) của Singapore.
 
Các dự án của BP tại Việt Nam
 
Dự án lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam là dự án khai thác dầu khí Nam Côn Sơn (ngoài khơi Vũng Tàu). Nam Côn Sơn cũng là dự án đầu tư nước ngoài về khai thác khí lớn nhất Việt Nam. Các đối tác khác trong dự án là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và ConocoPhillips (Mỹ). BP đã vận hành và khai thác dự án khí Nam Côn Sơn từ năm 2002 đến nay.
 
BP Petco (liên doanh BP với Petrolimex) thành lập năm 1992, sản xuất kinh doanh dầu mỡ nhờn công suất 50.000 tấn/năm tại Nhà Bè, TP.HCM, sau đó thêm ngành hàng gas (LPG) năm 1998. Năm 2007, BP thâu tóm công ty dầu nhớt Castrol và sáp nhập vào liên doanh BP Petco.
 
Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3, hoạt động từ tháng 3/2004, tổng vốn đầu tư 450 triệu USD, công suất 720 MW, gồm 3 đối tác: BP, SembCorp (Singapore) và Kyushu Electric Power - Nissho Iwai (Nhật), với tỷ lệ vốn mỗi bên 33,3%. Nhà máy này sử dụng 3 triệu m3 khí đốt/ngày từ mỏ Nam Côn Sơn.
 
Theo Mai Hương - H.S
Sài Gòn Tiếp thị