Ai pha aceton vào xăng?

Xung quanh vụ việc hơn 10.000 tấn xăng dầu do Công ty Xăng dầu Khu vực II và Công ty Xăng dầu Quân đội nhập khẩu có liều lượng aceton khá cao, câu hỏi được nhiều người quan tâm: Ai đã pha aceton vào xăng?

Chiều 31/8, ông Đặng Duy Quân, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực II, giải thích: Sở dĩ đơn vị ông không phát hiện được trong xăng có aceton, do không có thiết bị quang phổ để có thể phát hiện chất aceton, mặc dù phòng kiểm nghiệm của công ty được trang bị hiện đại hơn hẳn các đơn vị khác,

 

Petrolimex: Tự nhập, tự chở...

 

Lô hàng xăng A95 có chứa aceton do Petrolimex mua từ Công ty Glencore (Singapore), còn lô hàng của Công ty Xăng dầu Quân đội cũng mua từ Glencore nhưng qua trung gian Daewoo International Corporation-Hàn Quốc.

 

Glencore (Singapore) là một công ty tư nhân, có chức năng buôn bán và môi giới hàng hóa, gồm ngũ cốc, xăng dầu, dầu thô, khoáng chất và kim loại.

Về nguồn hàng, lâu nay Công ty Xăng dầu Khu vực II chỉ nhập hàng ủy thác từ tổng công ty về tiêu thụ chứ chưa hề trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng với các nhà cung cấp. Nhà cung cấp Glencore (Singapore) không phải là khách hàng thường xuyên của đơn vị.

 

Cụ thể, từ đầu năm đến nay đơn vị chỉ nhập 4 lô hàng từ Glencore, trong đó ngoài lô hàng A95 “dính” aceton còn có 2 lô dầu DO (48.900 tấn) và một lô xăng A92 (16.100 tấn).

 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), Công ty Glencore là hãng kinh doanh có quy mô lớn trong khu vực, là nhà cung cấp sản phẩm xăng dầu thường xuyên cho Petrolimex với đủ loại sản phẩm chứ không riêng gì xăng A95.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lô hàng có chứa aceton được Tổng Công ty Xăng dầu VN ký hợp đồng trực tiếp với Glencore và sử dụng tàu của tổng công ty đến nhận hàng trực tiếp không thông qua đơn vị trung gian nào...

 

Glencore sang VN để làm rõ vấn đề

 

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 31/8, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết hiện tại Petrolimex vẫn đang chờ kết quả trả lời từ phía đối tác nhập khẩu lô hàng có chứa aceton, bên tổng công ty cũng muốn có đánh giá hết sức chi tiết về sự cố này.

 

Một nguồn tin từ Petrolimex cũng cho biết, nguồn hàng mà Công ty Glencore Singapore bán cho Petrolimex được nhập từ Công ty Glencore Thụy Sĩ. Hiện tại Công ty Glencore Singapore cũng đang liên hệ với công ty ở Thụy Sĩ để tìm hiểu tại sao trong lô hàng đó aceton lại cao như vậy.

 

Về khả năng trả lại lô hàng đã nhập cho phía đối tác Singapore, một quan chức của Petrolimex cho rằng phương án này rất khó thực hiện vì số hàng nhập về đã được đổ vào kho và đã hòa lẫn vào số xăng còn tồn trong kho (tổng cộng số xăng đang bị phong tỏa cấm lưu thông là khoảng 15.000 tấn/xăng ở kho xăng Nhà Bè), hơn nữa số hàng này đã được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu.

 

Petrolimex đang đề nghị các cơ quan chức năng cho xử lý về mặt kỹ thuật lô hàng này rồi tiếp tục cho ra lưu thông.

 

Chiều cùng ngày, ông Vương Đình Dung, Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, cũng cho biết nguồn hàng của công ty được nhập qua tập đoàn Daewoo International Corporation của Hàn Quốc nhưng tập đoàn này lại đặt hàng ở Công ty Glencore Singapore.

 

Ông Dung cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, công ty đã liên tục liên hệ với đối tác Hàn Quốc, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao có hàm lượng aceton cao trong xăng. 

 

Theo N.Hải - G.Linh

Báo Người lao động