AI dự báo tăng trưởng của TPHCM năm 2022 ra sao?
(Dân trí) - Theo kịch bản của Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, trong quý I, thành phố vẫn tăng trưởng âm từ 1% đến 2%. Đà phục hồi mạnh mẽ sẽ xuất hiện từ quý II.
Tại buổi làm việc của UBND TPHCM chiều 4/3, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định, qua các số liệu cùng tình hình thực tế, kinh tế thành phố đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc và chuyển biến tích cực. Những dấu hiệu này mở ra niềm tin về việc địa bàn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5% trong năm 2022.
Ông Trần Hoàng Ngân thông tin thêm, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội thành phố đã tạm thời đưa ra kịch bản, trong quý I, thành phố vẫn tăng trưởng âm từ 1% đến 2%. Qua 6 tháng đầu năm, kinh tế thành phố trở về mức tăng trưởng 0% và phục hồi mạnh mẽ từ quý II trở đi với trên 10%.
"Với kịch bản được đưa ra thời điểm hiện tại, thành phố sẽ tăng trưởng bình quân 6,4% đến 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, trước mắt, toàn địa bàn còn phải đối mặt với nhiều thách thức", Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố nhìn nhận.
Cụ thể, ông Trần Hoàng Ngân phân tích, xung đột Nga - Ukraine trong thời gian qua đã tác động đến chi phí, giá cả. Tác động đầu tiên có thể thấy rõ là giá xăng dầu.
Hiện tại, dầu thô đang ở mức cao nhất từ năm 2019 đến nay. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận, giá xăng dầu tăng đã kéo theo hiệu ứng domino, tác động mạnh lên giá cả nhiều hàng hóa khác.
Một thách thức nữa TPHCM cần đối mặt là vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương này đang có dấu hiệu giảm. Trong bối cảnh 4 năm gần đây, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại sụt giảm, thành phố cần có chuyên đề riêng để nhìn nhận, đánh giá và đưa ra biện pháp.
"Khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, có ý kiến cho rằng thành phố yêu cầu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại, tuy nhiên, thành phố giải ngân còn chưa đạt mong đợi", ông Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TPHCM có tỷ lệ giải ngân thấp khi số vốn bố trí chỉ là hơn 30.000 tỷ đồng. Bài toán được đặt ra cho địa phương này là các biện pháp để giải ngân số vốn hơn 45.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Qua số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm, TPHCM đã có nhiều điểm khởi sắc so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách từ sản xuất tăng 0,03%; hoạt động vận tải và dịch vụ vận tải tăng 6,1%; doanh nghiệp đăng ký tăng 21,5%; thị trường tài chính tăng trưởng ổn định.
Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TPHCM khánh thành năm 2019, là đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển thành phố. Đơn vị này có chức năng tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc phân tích, đưa ra mô phỏng, dự báo thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, trung tâm này sẽ từng bước hệ thống hóa các mô hình định lượng phục vụ phân tích, dự báo, mô phỏng đối với các vấn đề liên quan chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng một số vấn đề trong nước, quốc tế mà TPHCM quan tâm. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ ứng dụng công nghệ để trực quan hóa dữ liệu, phân tích dữ liệu, trình bày kết quả các mô hình định lượng.