ADB: "Tái cơ cấu thất bại, Việt Nam sẽ rơi bẫy thu nhập trung bình"

(Dân trí) - Khẳng định, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, song Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cảnh báo, nguy cơ này có thể xảy ra nếu Việt nam thất bại trong hoạt động tái cơ cấu kinh tế.

 

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam (Ảnh: BD).

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam (Ảnh: BD).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Phát biểu của GS. Kenichi Ohno - người có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam và có nhiều nghiên cứu về các vấn đề kinh tế ở Việt Nam tại hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa” do trường Đại học kinh tế Quốc dân, và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội cho rằng, “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình” đã dấy lên những băn khoăn đối với những người quan tâm đến tình hình vĩ mô của Việt Nam.

 

Vấn đề này một lần nữa được đưa ra tại tại phiên họp báo công bố Triển vọng Kinh tế châu Á sáng nay (1/4/2014) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

 

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam bình luận: “Tôi không biết tại sao một số nhà phân tích lại nói Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhưng quan điểm của tôi là chưa”.

 

Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP trong năm 2014 sẽ cao hơn năm ngoái với mức 5,6% và tăng lên 5,8% trong năm 2015. Đặt giữa bối cảnh kinh tế nói chung thì triển vọng này là không quá tồi – ông Kimura nhận định.

 

Tuy nhiên, đại diện ADB cũng lưu ý rằng, việc Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, cao hơn dự báo hay không phụ thuộc nhiều vào hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế (cải cách đầu tư  công, khu vực Doanh nghiệp Nhà nước và cải cách hệ thống tài chính – ngân hàng).

 

“Nếu không làm được điều này thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhưng cho đến nay, tôi khẳng định, Việt Nam vẫn chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình” – ông Kimura nói.

 

Mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN có vẻ tham vọng!

 

Về cải cách DNNN, Chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014-2015. “Mục tiêu đó có vẻ tham vọng, vì trong giai đoạn 2011-2013 chỉ có 99 DNNN được cổ phần hóa” – Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Dominic Mellor nhìn nhận.

 

Ông Dominic thêm rằng, thị trường chứng khoán trong nước đã tăng và đẩy chỉ số giá cổ phiếu tăng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2013-3/2014. Thế nhưng tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán vẫn còn khá nhỏ so với lượng vốn cần thiết để đảm bảo sự thành công của chương trình cổ phần hóa.

 

Điểm tích cực là Chính phủ đã chấp thuận việc bán cổ phần dưới mệnh giá, điều này có thể tạo điều kiện cho việc thiết lập giá bán ở mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

 

Đại diện ADB cũng nhận xét, không phải cứ doanh nghiệp nào thực hiện cổ phần hóa thì tình hình tài chính và kết quả kinh doanh cũng tốt lên, điều này phụ thuộc vào thay đổi trong cách thức quản trị doanh nghiệp.

 

Hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều tụt hậu về quản trị công ty so với các quốc gia khác trong khu vực.

 

Ngoài ra, theo chuyên gia ADB, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11 năm 2013 tái khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, phần nào gây thất vọng đối với các tổ chức kinh tế và một số chủ thể khác đang kỳ vọng vai trò của khu vực tư nhân sẽ được công nhận rõ ràng hơn trong Hiến pháp mới.

 

Trong một quyết định nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý của các DNNN, Chính phủ cũng đã thông qua luật đấu thầu mới, mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả các DNNN.

 

Trong một tiến trình cải cách khác, Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 2014 sẽ cải thiện tính minh bạch trong quản lý đất đai. Nếu được thực hiện tốt, Luật Đất đai mới sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tranh chấp và chậm trễ trong các dự án hạ tầng cơ sở.

 

Liên quan đến việc trì hoãn Thông tư 02 về phân loại nợ, ông Dominic cho rằng, rõ ràng không thể thay đổi mọi thông lệ kế toán của hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam chỉ trong một sớm một chiều. Để tiệm cận chuẩn quốc tế cần phải mất thời gian và có lộ trình.

 

“Chúng tôi giả định rằng các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng dư địa còn lại của Thông tư 02 để lợi dụng, giấu đi tín dụng rủi ro và nợ xấu của họ, đó là lý thuyết, còn thực tế các NHTM cũng sợ nợ xấu nên sẽ dè dặt hơn. Trong vòng 5 năm nữa, các ngân hàng trong hệ thống sẽ phải chuẩn bị cho việc trích lập dự phòng trước khi trái phiếu VAMC đến hạn. Do vậy, tôi không cho rằng trì hoãn TT 02 thêm 6 tháng nữa lại có tác động tiêu cực đến quá trình tái cơ cấu ngân hàng” – chuyên gia ADB nhìn nhận.

 

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước