ADB hạ dự báo tăng trưởng hàng loạt nước châu Á

(Dân trí) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của một loạt các nước châu Á, trong đó tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống mạnh nhất trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt nam dự báo vẫn giữ nguyên.

Trong báo cáo bổ sung Triển vọng kinh tế năm 2015 đưa ra ngày 16/7, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay và năm tới của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á là 6,1% và 6,2%. Mức này thấp hơn dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á năm 2015 và 2016 là 6,3% trong một dữ liệu được công bố vào tháng 3/2015.

ADB h
ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống dưới 7% năm 2016

Điều đáng lưu ý là ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc xuống còn 7% trong năm nay và 6,8% trong năm 2016. Mức này thấp hơn so với dự báo hồi tháng 3/2015 của ADB, khi dự báo kinh tế Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng 7,2% năm 2015 và 7% năm 2016.

Các nền kinh tế của khu vực Nam Á như Ấn Độ, Banglades được ADB dự báo tăng trưởng tốt hơn từ mức dự báo 7,2% trong tháng 3/2015 lên 7,3%. ADB dự kiến sản xuất sẽ tăng mạnh tại Bangladesh có thể bù đắp tăng trưởng kinh tế yếu tại Nepal do tác động của thảm họa động đất, trong khi nền kinh tế Ấn Độ được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh về nông nghiệp và đầu tư mới.

Đối với các nền kinh tế Đông Nam Á, ADB dự báo sẽ kém khởi sắc hơn trong năm nay và năm tới là từ 4,6% và 5,1% - thấp hơn mức dự báo trong tháng 3/2015 là 4,9% và 5,3% - do sản lượng kinh tế đáng thất vọng.

Tăng trưởng kinh tế của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực này sẽ chỉ đạt 5% năm 2015 và 5,6% năm tới do nhiều chính sách cải cách và chi tiêu khu vực công ít đi. Dự báo của ADB về tăng trưởng kinh tế Indonesia trong tháng 3/2015 là 5,5% năm 2015 và 6% năm 2016.

Mặc dù một loạt nước bị hạ dự báo tăng trưởng, nhưng ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay và năm tới của Việt Nam ở mức 6,1% và 6,2%. Một trong những lý do là vì Việt Nam đang thực hiện cải cách môi trường đầu tư tốt khi thông qua hai luật mới về đầu tư và kinh doanh đồng thời nền kinh tế ngày càng mở cửa, khiến xuất khẩu tăng mạnh hơn.

"Sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể sẽ có một tác động đáng kể đối với phần còn lại của châu Á và kéo theo sự tác động đến các khu vực khác thông qua các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu", ông Shang Jin Wei, Giám đốc chương trình kinh tế của ADB cho biết.

Nguyễn Tuyền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”