9X từ nhân viên phục vụ thành chủ quán cơm tấm bán nghìn suất mỗi ngày

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Hơn 3 năm trước, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tú từ bỏ công việc ổn định, dốc hết số tiền tích góp để khởi nghiệp với món cơm tấm. Sau nhiều nỗ lực, hiện anh chị làm chủ 3 quán ăn tại TPHCM, bán hàng nghìn suất cơm mỗi ngày.

Khởi nghiệp từ món ăn yêu thích

Cơm tấm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân TPHCM bởi hương vị thơm ngon, giá cả bình dân. Món ăn này cũng góp mặt trong danh sách các món được đặt nhiều nhất trên Gojek trong quý I/2024. Cũng vì thế mà những hàng quán bán món ăn thân thuộc này xuất hiện khắp đường phố, ngõ hẻm Sài Gòn. Bất chấp độ cạnh tranh cao, vợ chồng anh N.V Tú - chị T.T.N Huyền từ bỏ công việc với thu nhập ổn định để chuyển sang bán cơm tấm.

Anh Tú từ Long An lên TPHCM đi làm thuê nhiều năm. Nhận thấy công việc phục vụ không giúp bản thân phát triển thêm, anh cùng bà xã quyết tâm ra kinh doanh riêng. Vì cả hai vợ chồng đều ghiền cơm tấm nên quyết định khởi nghiệp bằng món ăn yêu thích. Nghĩ là làm, anh Tú nghỉ việc, chị Huyền cũng chia tay công việc văn phòng rồi gom góp khoản tiền dành dụm cùng với số vốn được gia đình hỗ trợ, mở quán Cơm tấm Khương đầu tiên từ hơn 3 năm trước.

9X từ nhân viên phục vụ thành chủ quán cơm tấm bán nghìn suất mỗi ngày - 1

Quán cơm tấm được khởi nghiệp từ món ăn yêu thích (Ảnh: Cơm tấm Khương).

Quán Cơm tấm Khương của anh Tú phục vụ món cơm tấm sườn cọng, sườn miếng, ba rọi… cùng các món ăn kèm quen thuộc là chả, trứng ốp la, mắm ruốc, thịt kho trứng… Các món ăn được anh chị bán với mức giá phải chăng nhằm phục vụ mọi đối tượng khách hàng, kể cả những người lao động có thu nhập thấp.

Anh Tú kể thời mới tập tành kinh doanh, hai vợ chồng trải qua những ngày tháng đầy gian nan. "Chúng tôi phải tự mình làm mọi thứ: từ đi chợ đến nấu cơm, làm thịt, đứng bán, rửa chén, làm rau cho đến bưng bê, tính tiền… Nhưng hai vợ chồng không ngại khó khăn, cố gắng làm và tin một ngày nào đó mình sẽ thành công", ông chủ 29 tuổi nhớ lại.

Khâu mà hai vợ chồng đặt nhiều tâm sức nhất là hoàn thiện công thức riêng để tạo được hương vị thơm ngon và đặc trưng của quán. Cả hai dựa vào trải nghiệm từng là một thực khách, tự tìm tòi, thử nghiệm các công thức ướp món ăn, pha nước chấm, chế biến các món ăn kèm, đồng thời, lắng nghe góp ý từ khách hàng để tạo ra hương vị được lòng số đông nhất.

9X từ nhân viên phục vụ thành chủ quán cơm tấm bán nghìn suất mỗi ngày - 2

Món cơm tấm sườn được ưa chuộng tại TPHCM (Ảnh: Cơm tấm Khương).

Chủ quán Cơm tấm Khương cũng thừa nhận thời điểm đầu, hai vợ chồng liên tục lỗ nên rất áp lực, mệt mỏi. Nhiều bạn bè khuyên anh trở lại công việc cũ với mức lương ổn định và ít áp lực, rủi ro hơn. Thế nhưng, hai vợ chồng vẫn kiên trì bám trụ với niềm tin rằng mọi cố gắng, nỗ lực và đánh đổi của mình rồi sẽ được đền đáp.

Hành trình chinh phục thực khách online

Sau khoảng 2 tháng mở bán, hiểu rõ tầm quan trọng của việc bắt tay với các nền tảng để đưa món ăn của mình đến với nhiều khách hàng, anh Tú và vợ quyết định hợp tác với một trong những nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến phổ biến là GoFood của Gojek. "Chúng tôi hiểu rằng đưa quán lên các ứng dụng càng sớm thì khả năng quảng bá món ăn, tạo dựng uy tín với khách hàng càng tăng", anh Tú cho hay.

Để chinh phục thực khách online, quán cơm của anh Tú tập trung vào chất lượng đồ ăn, đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chú trọng sự nhanh chóng, tiện lợi cho khách hàng.

Anh Tú nói thêm về bí quyết làm hài lòng khách hàng online: "Khách hàng thường có những ghi chú chi tiết khi đặt món, chúng tôi luôn dặn dò nhân viên phải đọc kỹ ghi chú của khách để không xảy ra sai sót. Trong trường hợp giao thiếu món, quán thường chủ động liên hệ với khách để báo và hoàn trả tiền, giúp họ có trải nghiệm tốt nhất khi đặt đơn của mình.

Suốt nhiều năm kinh doanh, hai vợ chồng luôn giữ tinh thần muốn làm những điều tích cực cho khách hàng. Chúng tôi tin rằng khi mình được khách yêu mến, tin tưởng, lúc đó việc kinh doanh sẽ ổn định".

Ông chủ 9X cho biết các chương trình khuyến mãi cũng được quán áp dụng với tần suất phù hợp để đảm bảo tối ưu chi phí. Bên cạnh đó, theo anh Tú, quán có cơ hội tiếp cận nhiều thực khách online hơn khi tham gia các phiếu giảm giá độc quyền. Anh đánh giá cao Gojek ở điểm tài xế thân thiện, nhân viên hỗ trợ nhiệt tình, xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến quá trình vận hành, kinh doanh trên ứng dụng. 

9X từ nhân viên phục vụ thành chủ quán cơm tấm bán nghìn suất mỗi ngày - 3

Nhà hàng đánh giá cao tài xế Gojek thân thiện (Ảnh: Gojek).

Nhờ duy trì được chất lượng món ăn và chỉn chu trong khâu phục vụ, Cơm tấm Khương đã mở rộng quy mô thành 3 cửa hàng. Lượng khách ổn định giúp vợ chồng anh Tú duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho đội ngũ nhân viên đang ngày một gia tăng.

Trải qua quá trình lập nghiệp nhiều gian nan và có được thành quả nhất định, anh Tú chia sẻ với những người trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào con đường tương tự: "Bạn có thể phải học cách chấp nhận việc liên tục gặp thất bại trong khoảng thời gian đầu, chuẩn bị tốt tài chính và có nguồn tiền dự phòng để đối mặt với việc thua lỗ. Người trẻ cũng cần chuẩn bị một tinh thần vững vàng, không ngừng nỗ lực, kiên trì để vượt qua khó khăn thì mới đạt được thành công".

Đối tác nhà hàng có thể theo dõi fanpage Hỗ trợ đối tác GoFood để nhận được hỗ trợ nhanh chóng cũng như cập nhật các thông tin mới nhất từ Gojek.