Bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình:

85% doanh nghiệp vận tải lắp đặt chỉ để…đối phó!?

(Dân trí) - Từ ngày 1/7 tới đây, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe khách, xe buýt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình -GPS. Sát “giờ G”, đơn vị quản lý khẳng định hết 30/6 sẽ xong, nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn nặng tâm lý đối phó.

Sát “giờ G” vẫn ngổn ngang vấn đề

Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2011, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình - GPS (giới vận tải còn gọi là hộp đen); các xe khách đường dài trên 300 km sẽ phải lắp hộp đen từ ngày 1/1/2012.
 
Riêng lộ trình lắp đặt cho tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container bắt buộc phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình bắt đầu từ ngày 1/7/2012.
 
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 300.000 đầu xe vận tải và vận tải hành khách công cộng nằm trong diện bắt buộc phải lắp đặt hệ thống thiết giám sát hành trình. Nếu thiếu hộp đen, phương tiện sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt từ 2-3 triệu đồng/lần từ ngày 1/7/2013.

Từ 1/7/2012, tất cả các phương tiện vận tải hành khách, xe du lịch, xe container...
Từ 1/7/2012, tất cả các phương tiện vận tải hành khách, xe du lịch, xe container... bắt buộc phải có hộp đen giám sát hành trình

Tuy nhiên, theo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), công việc lắp đặt hộp đen đối với các phương tiện đến hết ngày 30/6 sẽ hoàn thành, nhưng trong các văn bản, thông tư hiện nay của luật vẫn chưa có chế tài nào xử phạt doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt thiết bị hộp đen nếu không đạt chuẩn.

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ cũng cho thấy, trên cả nước chỉ có khoảng 15% tổng số phương tiện, thuộc các đơn vị vận tải quản lý tập trung, quan tâm đến khai thác thiết bị phục vụ cho quản lý và đảm bảo an toàn giao thông. Số còn lại phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã quản lý theo mô hình dịch vụ - hỗ trợ mặc dù có lắp đặt nhưng chủ yếu chỉ để được kiểm định và cấp phù hiệu kinh doanh vận tải chứ không phải vì mục đích quản lý.

Với 64 tỉnh/thành trên cả nước, hiện còn rất nhiều Sở Giao thông Vận tải chưa có hệ thống máy chủ để kiểm tra, theo dõi hoạt động của các loại xe thông qua hộp đen. Do đó, thủ tục kiểm tra, giám sát chất lượng hộp đen chủ yếu căn cứ vào... báo cáo của doanh nghiệp vận tải.

Bên cạnh đó, trên các quốc lộ, tuyến đường trọng yếu chưa có một trạm hoặc trung tâm kiểm soát hoạt động của ôtô thông qua hộp đen. Lực lượng công an, thanh tra vẫn chưa được trang bị đầy đủ máy móc để kiểm tra, xử lý các loại xe lắp đặt hộp đen.

Trước tình hình này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khi xét xe theo chu kỳ cần kiểm định các tính năng kỹ thuật của hộp đen theo tiêu chuẩn quy định.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý vận tải, cập nhật thường xuyên các thông số cơ bản từ hộp đen để phục vụ kiểm soát và chấn chỉnh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
 
Lắp đặt chỉ để... đối phó
 
Mặc dù vậy, đã sát “giờ G” nhưng số doanh nghiệp đã lắp đặt hộp đen hiệu quả khai thác còn chưa cao trong khi hệ thống văn bản chưa được ban hành đầy đủ, chế tài xử phạt chưa có, lực lượng kiểm soát thiếu trang thiết bị, máy móc để kiểm tra.

Như Dân trí đã phản ánh, nhiều thiết bị hộp đen của các công ty khác nhau cung cấp được lắp đặt không đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu theo Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT.

Ở một góc độ nào đó, việc làm này có lợi cho cả doanh nghiệp vận tải (tiết kiệm chi phí do giá thiết bị được giảm) và đơn vị cung cấp hộp đen (chiều lòng khách hàng để bán được thêm nhiều sản phẩm). Song, những doanh nghiệp vận tải thực sự muốn quản lý phương tiện của mình lại gặp nhiều khó khăn, bức xúc khi chất lượng hộp đen không được đảm bảo.

Với những khó khăn được cho là nhìn nhận từ chính nội bộ các doanh nghiệp vận tải, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - ông Bùi Danh Liên hôm 26/6 đã có văn bản số gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc lắp đặt hộp đen.
 
Theo ông Liên, các doanh nghiệp vận tải cả nước đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để lắp đặt hộp đen cho 35.000 xe và ký hợp đồng với các doanh nghiệp lắp đặt GPS được Bộ cấp Giấy chứng nhận thiết bị hợp chuẩn, nhưng đại đa số Doanh nghiệp vận tải không biết “Quy định kỹ thuật” được quy định tại Thông tư 08/2011/TT-BGTVT nên khi nghiệm thu không giám sát được chất lượng của hộp đen.
 
Tuy nhiên dù đã sát giờ G, những vấn đề về quản lý vẫn chưa được thông suốt,
Tuy nhiên dù đã sát "giờ G", những vấn đề về quản lý vẫn chưa được thông suốt, các doanh nghiệp vận tải thì vẫn nặng tâm lý đối phó với Luật

Ông Liên dẫn chứng: “Có những đơn vị vận tải tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã bị cắt xén các chi tiết về quản lý như: cảnh báo vượt tốc độ, thiếu cổng cắm USB để quản lý thông tin về lái xe... Thậm chí, lái xe cũng không biết được tính năng cảnh báo khi vượt quá tốc độ, hộp đen phát cảnh báo thì lái xe lại yêu cầu đơn vị lắp đặt cắt tiếng kêu vì gây điếc tai, khó chịu. Tại Hà Nội, 2 phương tiện của HTX Thăng Long đã bị Trạm đăng kiểm ép lắp hộp đen (khi đi đăng kiểm) trước lộ trình quy định ngay tại Trạm đăng kiểm (đơn vị lắp đặt do Trạm đăng kiểm gọi đến chỉ định lắp đặt), doanh nghiệp không nhận được tín hiệu...”.

Cũng theo ông Liên: “Phần lớn các doanh nghiệp đều không giám sát được chất lượng. Hay, một số đơn vị chỉ lắp để đối phó mà không sử dụng. Hay các chủ xe tư nhân chạy hợp đồng du lịch chỉ lắp để đối phó để kiểm định và xin cấp phép, còn tính năng của hộp đen bị cắt xén thì không ai quản lý”.

Bởi vậy, vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị lắp đặt GPS đã được cấp Giấy chứng nhận phải lắp đầy đủ các chi tiết theo quy định, khi kiểm tra phát hiện có sự cắt xén, phải bổ sung, nếu không Bộ xử lý bằng việc rút Giấy chứng nhận Hợp chuẩn.
 
Phát hiện có sự cắt xén hộp đen, Bộ GTVT có thể sẽ rút giấy chứng nhận hợp chuẩn.
Phát hiện có sự cắt xén hộp đen, Bộ GTVT có thể sẽ rút giấy chứng nhận hợp chuẩn.
 
Bộ Giao thông Vận tải cũng cần có văn bản quy định rõ các đơn vị vận tải phải lưu giữ thông tin tại đơn vị, thời hạn lưu giữ, hướng dẫn sử dụng phải có người giám sát hoạt động để nhắc nhở, giáo dục lái xe chấp hành các quy định về hoạt động trên tuyến cố định, các cơ quan quản lý chỉ yêu cầu sao chụp khi cần thiết (Sở GTVT không cần phải quản lý).

Ngoài ra, ông Liên cũng đề nghị cụ thể Tổng cục Đường bộ là cơ quan quản lý tuyến trên 1000km quản lý tín hiệu của các phương tiện hoạt động trên tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và phát hiện phương tiện của các đơn vị hoạt động trên tuyến vi phạm để xử lý.

Quỳnh Anh