8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long "tiêu tiền" chậm
(Dân trí) - Tính đến 30/5, ước giải ngân của 8 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Giải ngân chưa đạt
Chiều 16/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với 8 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Tính đến ngày 30/4, cả 8 tỉnh đã giải ngân được 5.768 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương đạt 14,2%, tuy cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn bình quân chung của cả nước 15,08%.
Ước giải ngân 5 tháng của 8 địa phương (tính đến 30/5) là khoảng 7.657,790 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 20,61%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định số 2048 ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho 8 tỉnh, thành phố với tổng số vốn 39.760,930 tỷ đồng (đến nay đã phân bổ chi tiết 85,67%). Trong đó tổng số vốn ngân sách trung ương trong nước là 9.942,905 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết 100%); tổng số vốn ODA là 3.195 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết 78,44%); tổng số vốn ngân sách địa phương là 26.622,840 tỷ đồng (đã phân bổ chi tiết 100,97%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của việc giải ngân chậm là giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; thủ tục thực hiện một số công việc mất nhiều thời gian; việc chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của nhiều dự án thực hiện chậm, việc kiểm tra, giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa đôn đốc kịp thời, chưa xử lý đối với những trường hợp chậm tiến độ…
Giải ngân phải đảm bảo công khai, minh bạch
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, dù có nhiều khó khăn vướng mắc nhưng các địa phương đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp và đã đạt kết quả bước đầu trong giải ngân đầu tư công.
Về giải ngân, 8 địa phương đã bố trí 100% vốn ngân sách trung ương giao; về phân bổ vốn ODA, thành phố Cần Thơ còn hơn 600 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Long còn hơn 10 tỷ đồng chưa giao kế hoạch vốn. Cơ bản các tỉnh đã phân bổ chi tiết, còn một số dự án, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát, để phân bổ kịp tiến độ.
Tuy 8 tỉnh không đạt mức bình quân chung cả nước nhưng kết quả giải ngân cũng có tăng lên so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là dấu hiệu thể hiện sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Phó Thủ tướng mong muốn thời gian tới các địa phương sẽ tiếp tục cố gắng, tháo gỡ khó khăn, triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để bảo đảm tiến độ chung của cả nước.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phải hết sức quan tâm đến việc chuẩn bị đầu tư, nhất là đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục, phê duyệt dự án… linh hoạt, sáng tạo, theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, cần chủ động hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý giá cả vật liệu xây dựng; giải ngân vốn ODA...
Phó Thủ tướng đánh giá thời gian qua, các tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện cần sát sao hơn nữa, phân công rõ người, rõ việc, rõ mục tiêu, tiến độ, gắn với kiểm tra, giám sát, đánh giá… để tổ chức triển khai công việc hiệu quả.
Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhất là người đứng đầu phải sát sao hơn nữa với công việc, phải nắm rõ từng dự án, từng khó khăn, vướng mắc cụ thể để kịp thời tháo gỡ; cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các dự án để bảo đảm tiến độ theo đúng tinh thần "người thật, việc thật, hiệu quả thật", khen thưởng phân minh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, giải ngân phải đảm bảo công khai, minh bạch, vô tư, khách quan, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để thực hiện theo đúng quy định, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm.