8 lý do Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh
“Cho dù còn gặp khó khăn do lạm phát cao và tăng trưởng chững lại nhưng Việt Nam có 8 lý do để tiếp tục phát triển mạnh về trung và dài hạn” - ông Tai Hui, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered khẳng định.
Ông có thể cho biết những lý do mà ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Có 8 lý do để Việt Nam tiếp tục phát triển. Trước hết đó là sự ổn định về chính trị. Theo chỉ số chất lượng điều hành của ngân hàng Thế giới mới công bố thì Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Brunei trong số 10 nước ASEAN về tính ổn định chính trị - xã hội.
Thứ hai, Việt Nam đang chuyển mạnh theo xu hướng toàn cầu hoá và là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất tại châu Á.
Thứ ba là việc được hưởng lợi từ việc hội nhập vào ASEAN và tăng trưởng của Trung Quốc.
Thứ tư, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư coi là nơi để phân bổ rủi ro – “Trung Quốc + 1”. Các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản rất chú ý tới yếu tố này vì Việt Nam đang nổi lên là một nơi thay thế đầu tư khá lý tưởng do kết hợp được cả các yếu tố khác như nguồn lao động có kỹ năng, chi phí nhân công thấp, môi trường đầu tư được cải thiện, không có khủng bố, có một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.
Thứ năm, rất quan trọng là xu hướng dân số – trẻ và năng động. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nói chung là tốt. Mặc dù mức lương ở Việt Nam tương đối thấp so với một số nước láng giềng, nhưng lao động của Việt Nam có học vấn, tỷ lệ biết chữ rất cao. Tuy nhiên, những lĩnh vực đòi hỏi trình độ lao động có tay nghề, trình độ cao thì Việt Nam vẫn thiếu hụt.
Thứ sáu là mức tăng trưởng tiêu dùng cao trong nhiều năm tới.
Thứ bảy là Việt Nam hiện có nguồn vốn dồi dào.
Và cuối cùng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm về phát triển từ các nước láng giềng để tránh được những rào cản tăng trưởng tiềm tàng và đưa ra những bước đi thích hợp nhất.
Liệu có phải xem lại yếu tố về tăng trưởng tiêu dùng không khi từ giữa năm 2007 đến nay, đặc biệt là mấy tháng qua, sức cầu đã giảm khá mạnh do lạm phát tăng cao?
Theo tôi, đó chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. Chúng tôi sử dụng chỉ tiêu về sức mua tương đương để đánh giá nhằm loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát và có thể so sánh giữa các nước với nhau.
Các tính toán của chúng tôi cho thấy rằng sức mua của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm từ 9 - 10% mỗi năm, trong giai đoạn sáu năm tiếp theo và có thể tăng gấp ba lần so với giá trị hiện tại vào năm 2025.
Một cách khác để xem xét mức tăng của sức tiêu dùng của người Việt Nam là xem xét kinh nghiệm sử dụng so với mức 1.000 đô la. Khi GDP trên đầu người tăng trên 1.000 đô la, thì sức mua tăng và người tiêu dùng có thể bắt đầu mua được những hàng hoá tiêu dùng ngoài những đồ dùng thiết yếu hàng ngày. Một nguồn tiềm năng khác để tăng cường chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam là tài chính tiêu dùng.
Các dữ liệu về phạm vi xâm nhập của tài chính tiêu dùng vẫn thiếu, và bản thân điều này phản ánh việc thâm nhập chậm của tài chính tiêu dùng. Nếu chúng ta nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, thì tỷ lệ tiết kiệm ở Việt Nam là tương đối cao so với khu vực và tỷ lệ này đã và đang tăng lên theo thời gian, từ mức chỉ là 3% trong năm 1990 lên hơn 30% trong năm 2006.
Trong khi số tiền tiết kiệm này, ngoài việc dùng vào chi tiêu, có thể được đưa vào đầu tư, thì tỷ lệ tiết kiệm được coi như là một thước đo đối với sức tiêu dùng tiềm năng của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn bởi tình trạng lạm phát, thâm hụt thương mại cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại?
Những số liệu kinh tế gần đây của Việt Nam đúng là không mấy khả quan. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, tỷ lệ lạm phát hàng năm lên đến gần 20% vào tháng 3/2008, nhập siêu bùng nổ, và chỉ số Vn-Index đang thuộc diện yếu nhất khu vực, nếu như không nói là yếu nhất trên thế giới.
Mặc dù vẫn lạc quan về viễn cảnh cơ cấu kinh tế của Việt Nam, chúng tôi cũng xin khẳng định quan điểm: do Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trong khu vực, sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng của nó đến thị trường châu Á sẽ có một số tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Giống như các nước khác trong khu vực, Chính phủ Việt Nam và ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan, lạm phát gia tăng và phát triển kinh tế chậm lại.
Với tỷ lệ lạm phát cao, chúng tôi cho rằng Việt Nam nên tập trung vào kiềm chế tăng giá, và ít nhất là trong ngắn hạn phải chấp nhận việc nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đã đề ra.
Dòng vốn đầu tư từ bên ngoài qua nhiều kênh khác nhau như FDI, vốn đầu tư gián tiếp, kiều hối và ODA có thể vượt qua con số 30 tỉ đô la trong năm 2008 là nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế nhưng nó cũng có thể là một con dao hai lưỡi bởi các dòng vốn đôi khi còn rất hay thay đổi.
Mặc dù theo xu hướng hiện tại, dòng vốn vào có thể được duy trì và tăng nhanh trong thời gian tới, nhưng chỉ một sự thay đổi trong viễn cảnh kinh tế trong nước cũng có thể tạo ra sự đổi chiều đột ngột của dòng vốn này.
Chính phủ và ngân hàng Nhà nước vẫn cần phải quản lý chặt chẽ lượng tiền mặt để giảm sức nóng và sức ép do lạm phát quá cao.
Thâm hụt thương mại cũng là một vấn đề lớn. Thâm hụt thương mại của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008, từ mức 12,4 tỉ đô la trong năm 2007 lên 20 tỉ đô la. Với tình trạng thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, sự đổi hướng của dòng vốn có thể có tác động rất mạnh tới ngành tài chính của Việt Nam.
Điều này đòi hỏi chính phủ cần theo đuổi chính sách tiền tệ đáng tin cậy và cải tổ các quy trình để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, nhằm duy trì sự ổn định.
Theo Mạnh Quân
Báo SGTT