1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

7.600 tỉ đồng chỉ là “góc của bức tranh”!

7.622,5 tỉ đồng niên độ ngân sách năm 2005 phải xử lý tài chính, 100% cuộc kiểm toán đều “có vấn đề"... ông Vương Đình Huệ, tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết để giảm “góc tối” đó, cần phải đột phá mạnh hơn trong cải cách tài chính công.

Thưa ông, tất cả các đơn vị được kiểm toán đều “có vấn đề” và con số hơn 7.600 tỉ đồng phải xử lý nói lên điều gì?

Điều đó khẳng định thực tế quản lý, sử dụng ngân sách còn nhiều tồn tại. Tôi không thể bình luận về mức độ nguy hại nếu đặt riêng hai con số này vì thông số của kiểm toán luôn có hàm lượng chuyên môn cao.

Phải nắm đầy đủ, nhìn toàn diện mới đánh giá được bản chất. 104 cuộc kiểm toán đều “có vấn đề” nhưng không phản ánh sự vi phạm rộng khắp. Hơn 7.600 tỉ đồng phải xử lý cũng không phải hoàn toàn là số tiền thất thoát.

Còn con số 7.600 tỉ đồng?

Đây là mức tiền phải xử lý rất lớn. Nếu kiểm toán tất cả địa phương, bộ ngành và đơn vị khác thì còn lớn hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu đây là một thực tế tồn tại từ lâu. Nay có hai điều đáng mừng về nó. Một là đã phát hiện và công khai nó. Hai là tuy là số lớn nhưng đã có chuyển biến tích cực so với trước đây.

Chi tiết ra sao, thưa ông?

Trong hơn 7.600 tỉ đồng, số kiến nghị tăng thu ngân sách gần 1.900 tỉ đồng gồm các loại thuế, các loại phí, lệ phí và thu khác. Nguyên nhân: doanh nghiệp hạch toán, kê khai báo cáo tài chính không trung thực, có cả sai sót, gian lận (tức sai sót cố ý), hạch toán vào giá thành cả chi phí không hợp lý, hợp lệ hoặc do sai thuế suất.

Cũng có tồn tại ở khâu kiểm tra thuế bước một, hoặc do phạm vi kiểm tra thuế không thể bao quát hết. Nếu số tiền gần 1.900 tỉ đồng này không bị phát hiện, rất có thể ngân sách bị thất thu.

Phần chi ngân sách có gần 1.340 tỉ đồng phải giảm, tức chiếm 20% so với tổng số trên 7.600 tỉ đồng phải xử lý tài chính. 1.340 tỉ đồng phải giảm chi ngân sách có nhiều nguyên nhân khác nhau. Loại “giảm trừ dự toán, giảm thanh toán” chiếm gần 247 tỉ đồng.

Đây là tiền các đơn vị đã tính toán sai số lượng chi, sai số tiền phải thanh toán cho nhà thầu nhưng chưa trả, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị phải giảm trừ dự toán và giảm thanh toán; nếu thực hiện đúng kiến nghị thì ngân sách không bị mất đi.

Loại hai là “quyết toán sai niên độ”, tức là chi rồi, có thể chi đúng nhưng lại hạch toán vào niên độ không phù hợp qui định. Khoản này chiếm gần 206 tỉ đồng. Loại thứ ba là “địa phương bố trí hoàn vốn”.

Tức sử dụng vốn, kinh phí sai mục đích, dùng tiền của việc A chi cho việc B nên phải bố trí nguồn vốn hợp pháp khác của đơn vị để hoàn trả, đảm bảo sử dụng đúng qui định... Khoản này chiếm gần 140 tỉ đồng.

Loại thứ tư “giảm chi khác” chiếm 550 tỉ đồng. Ở đây có cả sai phạm và cả do cơ chế, qui định bất cập, như chi vượt tổng mức đầu tư, chi ngoài dự toán... Loại cuối cùng và đáng quan tâm nhất là “sai chế độ, phải thu hồi nộp ngân sách”. Khoản này là 140 tỉ đồng, trong đó có cả chi thường xuyên và chi xây dựng cơ bản...

Sau khoản thu, khoản chi là khoản phải ghi thu - ghi chi quản lý qua ngân sách nhà nước, đã thu rồi nhưng “cất giữ” không đúng qui định gồm 1.350 tỉ đồng. Đó là học phí, viện phí, phí giao thông... các lệ phí đã thu nhưng chưa được nộp vào kho bạc. Thêm gần 300 tỉ đồng là các khoản tiền tạm giữ do thu nộp phạt, chống buôn lậu... hiện đang để tại kho bạc nhưng chưa được xử lý theo đúng qui định.

Phần cuối cùng của hơn 7.600 tỉ đồng là tiền nhà nước đã bị cho vay, cho tạm ứng sai qui định, đến cuối năm vẫn chưa thu hồi được chiếm 1.570 tỉ đồng cùng một số sai phạm khác chiếm hơn 1.100 tỉ đồng.

Ông nhận xét gì về những con số này?

Tất nhiên là nếu không có Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị thì phần lớn số ngân sách trên mất đi, bị chiếm dụng hoặc không được quản lý chặt chẽ trong hệ thống ngân sách.

Thực trạng vi phạm qui định ngân sách vừa nêu trên là rất đáng báo động. Tuy nhiên để khắc phục và quản lý ngân sách tốt, chúng ta phải nhìn nhận toàn diện bức tranh ngân sách. 7.600 tỉ đồng chỉ là một góc của bức tranh, mà theo tôi là bức tranh có nhiều điểm sáng.

Bức tranh đó sáng thế nào, thưa ông?

Đánh giá một bức tranh ngân sách, yếu tố đầu tiên là so sánh kết quả chỉ tiêu thực với dự toán. Năm 2005 chúng ta đã đạt và vượt cả thu và chi. Thu vào tăng, chi cho các mục tiêu đều đạt. Bội chi ngân sách nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Dư nợ Chính phủ 35,7% cũng là mức lý thuyết cho phép.

Phân tích về số thu, chúng ta đã tăng 22% so với dự toán. Số này thuyết phục hơn nếu ta so với thực thu của năm 2004, tăng đến 19%.

Đáng mừng là thu nội địa chiếm 53,7%, tăng 2% so với năm 2003, tức là nguồn thu hướng tới tính bền vững (không lệ thuộc nguồn thu ngoài nước). Cơ cấu phần tăng chi cũng hợp lý thuyết, nghĩa là tăng chi cho đầu tư phát triển (12,4%) lớn hơn tăng chi thường xuyên (8,6%).

Điểm sáng nổi bật là có tới 76,5% doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán làm ăn có lãi, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt gần 20%, nghĩa là cứ doanh thu 10 đồng thì có lãi gần 2 đồng.

Theo Quang Thiện
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm