1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

7 yếu tố tăng giá nông phẩm

Trong thời gian gần đây, giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là lúa gạo và tôm xuất khẩu, đường,... tiếp tục tăng, gây sự quan tâm lớn của cả người sản xuất, tiêu dùng và các nhà điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng khá. Chỉ riêng từ trung tuần tháng 7/2005 đến nay, giá lúa ở ĐBSCL đã tăng thêm 200 - 300 đồng/kg, hiện nay đạt khoảng 2.400 đồng- 2.500 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao nhất từ trước tới nay, đạt 250 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với cách đây 1 năm.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2005, giá cả các mặt hàng: gạo, cao su, cà phê, tôm, cá,... xuất khẩu; mía đường, thịt và một loạt mặt hàng nông sản khác của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng giá.

Diễn biến tăng giá mặt hàng nông sản trong thời gian qua là hợp quy luật trong quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Chuyển động đó làm cho người nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong dân số và lao động, người sản xuất, người chế biến, kinh doanh nhóm hàng này được lợi. Nhưng bên cạnh đó làm cho chỉ số giá chung tăng lên.

Cách đây vài năm, thị trường nông phẩm ở nước ta trì trệ. Song gần 2 năm gần đây tình hình diễn ra ngược lại, giá lương thực và thực phẩm liên tục tăng cao.

Năm 2003 cả giá lương thực và giá thực phẩm đều có mức tăng là 2,9% so với chỉ số tăng giá chung là 3,0%; năm 2004, giá lương thực tăng 14,3% và giá thực phẩm tăng tới 17,1% so với chỉ số tăng giá chung là 9,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2005, giá lương thực tăng 4,5% và giá thực phẩm tăng 8,9%.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2005, chỉ số giá lương thực-thực phẩm trong cả nước tiếp tục tăng. Vậy tại sao giá nhóm mặt hàng nông sản tăng cao trong thời gian gần đây?

Một là, do dịch cúm gia cầm xẩy ra trong hơn 2 năm qua, làm giảm nguồn cung thực phẩm và ảnh hưởng chung đến mặt hàng thực phẩm, làm cho giá cả nhóm mặt hàng này tăng lên.

Hai là, do giá các mặt hàng nông sản: gạo xuất khẩu, cao su xuất khẩu, cà phê xuất khẩu, thuỷ hải sản xuất khẩu,... trên thị trường thế giới tăng, giá xuất khẩu của Việt Nam tăng, đương nhiên giá thu mua các mặt hàng đó trong nước tăng lên.

Ba là, chi phí sản xuất nông phẩm tăng, làm tăng giá thành sản phẩm. Chi phí thuê lao động, thuê nhân công, ngày công lao động trong nông nghiệp tăng. Chi phí xăng dầu, thuốc trừ sâu, chi phí vận chuyển,... của sản xuất nông ngư nghiệp và chế biến, bảo quản tăng. Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.

Bốn là, cơ cấu lao động trong nông nghiệp - nông thôn thay đổi. Một bộ phận lao động trẻ khoẻ, có trình độ, có kiến thức,... đi làm việc ở các đô thị, đi xuất khẩu lao động, làm các công việc khác phi nông nghiệp. Lao động nông nghiệp giảm đi tương đối. Đến lượt nó làm tăng chi phí ngày công trong nông nghiệp.

Năm là, cơ cấu đất đai nông nghiệp thay đổi. Một diện tích đáng kể đất đai sản xuất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị, đất xây dựng khu công nghiệp và sử dụng cho sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, cho làm đường giao thông và cho các mục đích khác phi nông nghiệp. Do đó diện tích đất đai nông nghiệp giảm đi cả tương đối và tuyệt đối.

Sáu là, cơ cấu cây trồng, vật nuôi,... cũng thay đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, được đầu tư lớn hơn, có chủng loại đa dạng hơn.

Bảy là, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng mạnh do tăng dân số, do cơ cấu dân số thay đổi, dân số phi nông nghiệp tăng, do số lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm tăng trên 20%, do nhu cầu ngày càng cao của người dân do mức sống được nâng lên cả về số lượng, chất lượng, chủng loại các mặt hàng lương thực-thực phẩm.

Phải khẳng định đó là xu thế tất yếu khách quan trong quá trình hội nhập, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và vận động nhân khẩu, vận động xã hội.

Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm