7 sự thật không phải ai cũng biết về nền kinh tế Mỹ
(Dân trí) - Từ GDP hàng đầu thế giới đến sàn giao dịch chứng khoán hùng mạnh, đây là thị trường mà cả thế giới đều hướng đến, ngay cả khi nó đang dần rơi vào tình trạng ảm đạm.
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong hơn một thế kỷ qua, Mỹ là một cường quốc kinh tế của thế giới.
Nhưng sau cuộc đại suy thoái, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn khi nói đến tương lai của nền kinh tế Mỹ.
Từ GDP hàng đầu thế giới đến sàn giao dịch chứng khoán hùng mạnh, đây là thị trường mà cả thế giới đều hướng đến, ngay cả khi rơi vào tình trạng ảm đạm.
Dưới đây là 7 sự thật đáng ngạc nhiên về nền kinh của Mỹ, từ mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục cho đến GDP tăng vọt của tiểu bang lớn nhất – California.
1. Việc thiếu ngủ đối với những công dân Mỹ đã gây thiệt hại cho nền kinh tế này hàng tỷ USD
Hơn một phần ba dân số ở độ tuổi trưởng thành tại Mỹ không ngủ đủ giấc và điều đó đã tiêu tốn 411 tỷ USD và mất đi 1,2 triệu ngày làm việc mỗi năm.
Việc thiếu ngủ có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, có thể là do làm việc quá sức, thói quen sức khỏe kém hay thậm chí là ánh sáng xanh khủng khiếp từ các thiết bị điện tử.
Tốt nhất là ta nên kiểm soát những thói quen khi đi ngủ, vì thiếu ngủ có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề lớn về sức khỏe, chẳng hạn như ung thư.
2. Sự chênh lệch về thu nhập giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu là 100.000 USD (tương đương 2 tỷ đồng)
Năm 2011, có 51% người Mỹ được coi là tầng lớp trung lưu, và con số đó đã tăng lên 52% vào năm 2016.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu đã tăng lên đáng kể. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình trung lưu tăng từ 74.000 USD lên 78.000 USD, trong khi tầng lớp thượng lưu lại có thu nhập trung bình tăng từ 172.000 USD lên 189.000 USD.
3. Thế hệ Z có thể chi tới 143 tỷ USD để mua sắm vào năm tới
Thế hệ Z, những người sinh từ năm 1997 đến 2012, sẽ chiếm 40% người tiêu dùng Mỹ vào năm tới. Những người tiêu dùng này dự kiến sẽ đóng góp tới 143 tỷ USD chi tiêu trực tiếp, điều này sẽ khiến nhiều nhà bán lẻ đau đầu để tìm ra cách đối phó với những thói quen thay đổi trong việc tiêu dùng của một thế hệ mới vốn đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh và công nghệ Internet..
4. Nếu California là một quốc gia, nó sẽ có GDP cao thứ 5 thế giới
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm 50 bang đa dạng về kinh tế.
Một số trong những tiểu bang đó có nền kinh tế đủ lớn để tự xếp hạng khá cao, đặc biệt là California. Nếu Califorina là một quốc gia, nền kinh tế của nó sẽ đứng thứ năm trên thế giới, vượt qua GDP của Vương quốc Anh năm ngoái.
Với tổng sản phẩm quốc nội là 2,747 nghìn tỷ USD, California sẽ chỉ đứng sau Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
Texas và New York cũng là hai khu vực có tăng trưởng kinh tế rất lớn, lần lượt xếp thứ 11 và 13 trên toàn thế giới.
5. Mỹ đầu tư nhiều cho quốc phòng hơn 7 quốc gia tiếp theo cộng lại
Mỹ là quốc gia đứng đầu danh sách những nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng. Mỹ đã dành nhiều tiền để đầu tư cho quốc phòng hơn 7 quốc gia tiếp theo cộng lại.
Với mức đầu tư 610 tỷ USD hàng năm, mức chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ gấp 19 lần tổng các khoản chi cho quốc phòng của Trung Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Pháp, Vương quốc Anh và Nhật Bản.
6. Nợ công của Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại
Vào tháng Hai, nợ công của Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 22 nghìn tỷ USD.
Mức nợ này cũng không có khả năng thu hẹp dù trong bất cứ trường hợp nào, Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự kiến thâm hụt hàng năm trung bình 1,2 nghìn tỷ USD – tương đương 4,4% GDP hàng năm.
Sau Thế chiến II và trong cuộc khủng hoảng tài chính, đây là lần thứ 3 mức nợ công của Mỹ tăng kỷ lục như vậy.
7. Ngành công nghiệp thể thao của Mỹ đáng giá gần 75 tỷ USD
Theo một báo cáo, thị trường ngành công nghiệp thể thao ở Bắc Mỹ sẽ đáng giá hơn 73,5 tỷ USD vào năm nay và nếu tính cả các bản quyền truyền thông, dự kiến sẽ tăng lên 20,6 tỷ USD trong năm nay.
Sự gia tăng của cá cược thể thao và Esports có thể có tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của nền công nghiệp thể thao.
Esport (Electronic Sports) có nghĩa là thể thao điện tử, đây là hình thức tổ chức cuộc thi chơi điện tử giữa nhiều người chơi, đặc biệt giữa những tuyển thủ chuyên nghiệp. Vốn là một phần của văn hóa trò chơi điện tử, nhưng đến tận cuối những năm 2000 và đầu năm 2010, việc tổ chức các giải đấu mới tạo nên một cơn sốt lớn. Trong năm 2013, người ta ước tính rằng có khoảng 71.500.000 người trên thế giới xem các trận đấu và dự đoán cơn sốt này vẫn sẽ còn tiếp tục tăng trên thế giới.
Thùy Dung
Theo Markets Insider