1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

6 tháng giảm 50% phí trước bạ xe trong nước: Ngân sách "lãi to"

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Nhờ việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm, số thuế, phí của doanh nghiệp ô tô đóng góp vào ngân sách tăng đột biến khoảng 11.200 tỷ đồng.

Trong báo cáo Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính nêu rõ số thuế tuyệt đối từ các doanh nghiệp trong 6 tháng năm nay và kỳ kê khai nộp thuế 6 tháng cuối năm 2020.

Theo Tổng cục Thuế, với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020, lượng xe trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng 2 lần so với cùng kỳ. Hiện theo quy định, thuế thu trong tháng 12/2020 sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong tháng 1/2021.

6 tháng giảm 50% phí trước bạ xe trong nước: Ngân sách lãi to - 1

Số thuế Tiêu thụ đặc biệt, VAT và phí trước bạ của doanh nghiệp ô tô và người mua xe hơi tăng hơn 11.200 tỷ đồng trong năm 2020 chứng minh việc giảm thuế, phí thực sự hiệu quả (Ảnh minh họa)

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, nhờ 6 tháng giảm 50% phí trước bạ nên số thu thuế cho ngân sách Nhà nước đã tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 47,1%. Trong đó, riêng thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng (VAT) tăng hơn 8.200 tỷ đồng, tăng thu phí lệ phí trước bạ của các địa phương là hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của VAMA, năm 2020, lượng xe bán ra của 11 doanh nghiệp trực thuộc là gần 186.800, giảm nhẹ hơn 2.600 chiếc so với năm 2019. Ngoài ra, hai doanh nghiệp xe hàng đầu khác là Hyundai Thành Công cũng đạt gần 81.400 chiếc, VinFast đạt gần 30.000 chiếc khiến tổng doanh số bán xe trong nước đạt gần 300.000 chiếc, tăng gần 14.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói nhất là kể từ khi Chính phủ cho giảm 50% phí trước bạ (chính thức từ 28/6 đến 31/12) lượng xe tiêu thụ tăng đột biến, riêng 11 doanh nghiệp thuộc VAMA, doanh số 6 tháng cuối năm 2020 đạt gần 121.000 chiếc, tăng gần 55.000 chiếc so với 6 tháng đầu năm, ước tăng khoảng 45,5%.

Ngoài ra, doanh số bán xe của Hyundai Thành Công và VinFast bán ra tăng rất mạnh, bất chấp đại dịch. Cụ thể, riêng Thành Công cả năm 2020 đạt doanh số bán ra đạt gần 81.300 chiếc, trong đó 6 tháng cuối năm đóng góp hơn 53.300 chiếc, tăng hơn 24.000 chiếc, tương ứng 82%.

VinFast, cả năm 2020 bán ra được gần 30.000 chiếc, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 6 tháng cuối năm bán được gần 19.000 chiếc, tăng gần 2 lần so với 6 tháng trước đó.

Tính ra, nhờ vào việc giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ, số xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước bán ra trong 6 tháng cuối năm 2020 đã đạt hơn 193.000 chiếc, tăng hơn 90.300 chiếc so với 6 tháng trước đó, khi không được giảm lệ phí trước bạ.

Con số giảm thuế, kích thích doanh nghiệp tăng doanh số và người tiêu dùng tăng mua xe hơi là khá rõ khi lượng xe bán ra tăng mạnh và số thu thuế tuyệt đối cũng tăng rất mạnh.

Tuy nhiên, trước đó, tháng 11/2020, khi xuất hiện thông tin việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước có thể được gia hạn đến tháng 6/2021, Bộ Tài chính đã phản hồi và nói không.

Cơ quan này ước lượng việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô đã khiến thu ngân sách giảm hơn 3.700 tỷ đồng.

Tiếp đó, tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) một lần nữa đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để khắc phục khó khăn.

6 tháng giảm 50% phí trước bạ xe trong nước: Ngân sách lãi to - 2

6 tháng cuối năm 2020, Việt Nam giảm 50% phí trước bạ cho xe trong nước, nhưng chính sách này không được thực hiện năm 2021 (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính một lần nữa bác bỏ vì cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều chính sách ưu đãi, giảm phí và lệ phí đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô được thừa hưởng.

Thực tế, việc tăng thu thuế cho ngân sách hơn 11.200 tỷ đồng là điểm lời cho ngân sách bởi vừa kích thích tăng sản xuất của doanh nghiệp vừa tăng tiêu dùng của người dân. Nếu giữ lệ phí trước bạ từ 10-12%/giá xe, doanh số bán ra của xe trong nước không thể đạt con số tuyệt đối trên 193.000 chiếc, và tăng hơn 90.000 chiếc so với 6 tháng trước đó.

"Việc tăng thu ngân sách cho thấy giảm thuế phí tạo hiệu quả lớn đối với thị trường và người tiêu dùng, góp phần tăng thu chứ không giảm thu. Cách ước tính giảm thu của Bộ Tài chính cuối năm 2020 là cách áp dụng nguyên tắc giữ tỷ suất thuế cố định 10-12% chứ không phải giảm xuống 5-6%. Tuy nhiên, nếu không có việc giảm 50% phí trước bạ, doanh số bán xe có thể sẽ suy giảm rất mạnh, thậm chí hụt thu lớn", TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên Học viện Tài chính bình luận.