56.200 tỷ đồng đã được dành chi trả nợ, viện trợ

(Dân trí) - Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/7, Việt Nam đã thực hiện chi trả nợ và viện trợ 56.200 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán năm. Còn theo đồng hồ nợ công thế giới, tính đến 14h20 chiều 29/7/2013, nợ công của Việt Nam đang ở mức 74,85 tỷ USD chiếm 48,9% GDP.

Nợ công của Việt Nam được khẳng định nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Nợ công của Việt Nam được khẳng định nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 15/7/2013, Việt Nam đã thực hiện chi trả nợ và viện trợ 56.200 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán năm. Theo đồng hồ nợ công thế giới, tính đến thời điểm 14h20 chiều 29/7/2013, nợ công của Việt Nam đang ở mức 74,85 tỷ USD chiếm 48,9% GDP với tỷ lệ nợ công theo đầu người là 832,2 USD/người dân.

Theo báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội ngày 20/5, tính đến cuối 2012, nợ công Việt Nam ở mức 54,1% GDP, nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Còn tại báo cáo nghiên cứu "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam", Uỷ ban Kinh tế cho biết, tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 55,4% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 29,6% và 25,8% GDP.

Tuy nhiên, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của DNNN và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác thì nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP.

Con số này chi trả trên nằm trong số 483.600 tỷ đồng tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến giữa tháng 7, ước thực hiện 49,5% dự toán năm.

Ngoài ra, phần chi đầu tư phát triển cũng đã đi hết 47,7% dự toán với 83.600 tỷ đồng, (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 81.000 tỷ đồng, bằng 47,6%).

Chi cho phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính 343.900 tỷ đồng, bằng 51% dự toán cả năm.

Trong khi đó tổng thu ngân sách Nhà nước cùng khoảng thời gian trên ước tính đạt 381.700 tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán năm.

Các khoản thu bao gồm, thu nội địa 251.500 tỷ đồng, bằng 46,1%; thu từ dầu thô 58.400 tỷ đồng, bằng 59%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 68.600 tỷ đồng, bằng 41,2%. 

Tại phần thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 73.400 tỷ đồng, bằng 42,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt cao hơn với 56.300 tỷ đồng, bằng 52,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 54.700 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch cả năm.

Thu thuế thu nhập cá nhân đóng góp 28.600 tỷ đồng cho ngân sách, bằng 52,1% kế hoạch; thu thuế bảo vệ môi trường 6.100 tỷ đồng, bằng 42,8%; thu phí, lệ phí 5.100 tỷ đồng đạt 49,4% kế hoạch năm.

Như vậy có thể thấy, với thực hiện thu ngân sách ước đạt được trong gần 7 tháng đầu năm đều thấp so với kế hoạch nên chi ngân sách cũng không đạt được dự kiến ban đầu. Điều này xuất phát từ bối cảnh kinh tế khó khăn, và cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại.

Bích Diệp