5 nguyên nhân khiến OTC vẫn lạnh

So với thời điểm “nóng” thì hiện nay cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp (kể cả blue-chips) đã mất giá 40-50% so với thời điểm "nóng". Để cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhiều nhà đầu tư cổ phiếu OTC rất khó khăn khi giao dịch ngay cả khi họ chấp nhận lỗ.

Có thể đưa ra 5 nguyên nhân chính góp phần làm thị trường OTC đóng băng trong một thời gian dài qua.

Nguyên nhân thứ nhất được kể tới là cung và cầu trên thị trường OTC đều yếu. Vào thời điểm từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, nhiều nhà đầu tư đã đổ một nguồn vốn khá lớn để mua cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường OTC.

Cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp cũng ồ ạt phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, chuẩn bị phương án chia thưởng từ nguồn thặng dư tăng vốn nên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng rất nhanh, vượt quá giá trị thực.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trên thị trường OTC phần lớn là các nhà đầu tư ngắn hạn và không chuyên nghiệp, thiếu thông tin về doanh nghiệp ngay cả thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của họ và cùng với tâm lý đầu tư theo phong trào nên nhiều nhà đầu tư đã đổ một lượng vốn lớn với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận cao như thời điểm trước đó.

Khi thị trường OTC tự điều chỉnh và giá cổ phiếu giảm mạnh để trở về giá trị thực thì các nhà đầu tư đã không còn đủ vốn mua vào để giảm thiểu thua lỗ.

Thứ hai, thị trường OTC đóng băng theo chu kỳ. Tương tự như các năm trước đây thì thời điểm quý II hàng năm là chu kỳ đóng băng của thị trường OTC do các thông tin tốt hỗ trợ và kích giá cổ phiếu tăng gần như đã hết, các doanh nghiệp đã công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của năm trước, đại hội cổ đông và chia thưởng lợi nhuận trong quý I.

Do đó, khi cổ phiếu trên thị trường OTC rớt giá, các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ không mạo hiểm mua cổ phiếu trong thời gian này.

Thêm vào đó, sự suy giảm theo chu kỳ của thị trường niêm yết đã có tác động đáng kể với thị trường OTC. Trên thực tế, thị trường niêm yết lúc này có vẻ khác với quy luật mọi năm (chu kỳ giảm giá) nhưng số đông nhà đầu tư vẫn tin rằng, sẽ có thêm đợt điều chỉnh giá mạnh nữa trước khi có một cuộc bứt phá về quy mô thị trường và giá cổ phiếu vào cuối năm.

Thứ ba, do sự sụt giảm giá quá nhanh của cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong thời gian thị trường sôi động nhất, cổ phiếu ngân hàng chiếm đến 70% giá trị giao dịch trên thị trường OTC. Khi giá cổ phiếu ngành này giảm và đóng băng đã kéo theo giá cổ phiếu trên thị trường OTC cũng giảm theo.

Thời điểm thị trường OTC nóng nhất cũng là thời điểm giá cổ phiếu ngân hàng được đẩy lên cao một cách chóng mặt gấp từ 6 đến 15 lần mệnh giá.

Một yếu tố mang tính kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu ngân hàng là thời gian thực sự hưởng quyền quá lâu. Nhà đầu tư trước đây háo hức với viễn cảnh được chia cổ tức bằng cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu, trái phiếu mới, nhưng thủ tục phức tạp đã làm nản lòng các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiên về xu hướng đầu cơ.

Đây là lực lượng chính trong việc “tạo sóng”, đưa giá cổ phiếu ngân hàng lên hay xuống, từ đó tăng tính thanh khoản cũng như tạo sự hấp dẫn cho loại cổ phiếu này. Tuy nhiên, xu hướng đầu cơ ngắn hạn đang thoái trào, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang chiến lược nắm giữ trong trung hạn.

Thứ tư, các nhà đầu tư đã chuyển sang hướng đầu tư mới đó là tham gia đấu giá của các doanh nghiệp lớn bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đầu tư sang bất động sản, USD và vàng.

Thứ năm do sự cảnh báo kịp thời về tính rủi ro khi giao dịch trên thị trường OTC của các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Để điều tiết và quản lý thị trường OTC, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như: Thông tư số 38 của Bộ Tài chính về công bố thông tin của công ty đại chúng cũng như quy định mới về các xác định giá chào sàn của cổ phiếu niêm yết lần đầu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Chỉ thị số 3 ngày 28/5 được ban hành đã phần nào kiểm soát được dòng tiền của các ngân hàng cho nhà đầu tư vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán nhưng cũng gây áp lực không nhỏ đến các ngân hàng trong việc thu nợ nhằm đáp ứng qui định trên.

Trong khi đó, phần lớn nguồn vốn của nhà đầu tư bỏ vào thị trường cổ phiếu được hình thành từ vay cầm cố cổ phiếu. Vì thế, để có tiền trả nợ, không còn cách nào khác, nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu.

Theo Vũ Hoài Chang
VnEconomy