5 năm về tay ông chủ Thái Lan, Sabeco ra sao?

Việt Đức

(Dân trí) - Đạt mức lợi nhuận kỷ lục sau 5 năm đổi chủ, Sabeco vẫn chưa hoàn toàn lấy lại những gì đã mất sau 2 năm đặc biệt khó khăn.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2022 lần lượt đạt 34.979 tỷ đồng và 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 30-40% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng cao kể trên ngoài nguyên nhân Sabeco phục hồi nhanh, tiết giảm chi phí còn đến từ kết quả năm 2021 rất thấp trong bối cảnh tiêu thụ bia rơi xuống mức đáy nhiều năm vì đại dịch Covid-19. Nếu so với năm đỉnh cao 2019, doanh thu năm 2022 của Sabeco mới phục hồi hơn 90%. Dù vậy, lợi nhuận của công ty đạt 5.500 tỷ đồng là mức kỷ lục mới. 

Nhìn rộng ra, 2022 cũng là thời điểm đánh dấu tròn 5 năm Sabeco từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của ThaiBev. Tháng 12/2017, ThaiBev bỏ gần 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần Sabeco thuộc sở hữu của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, người Thái có lẽ đã không gặp may trong 5 năm đầu tiên tiếp quản thương hiệu Bia Sài Gòn khi thị trường bia Việt Nam trải qua hai khó khăn lớn bao gồm hành vi của người tiêu dùng thay đổi sau khi quy định có nồng độ cồn trong máu thì không được điều khiển phương tiện giao thông có hiệu lực từ đầu năm 2020 và đại dịch Covid-19.

 

Mất năm đầu tiên để kiện toàn bộ máy điều hành với các nhân sự chủ chốt từ ThaiBev, người Thái đưa Sabeco đạt đỉnh doanh thu vào năm 2019 với con số kỷ lục gần 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo, doanh số của Sabeco lao dốc mạnh trước khi phục hồi vào năm 2022.

Dù vậy, người Thái vẫn thành công trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bia lớn hàng đầu Việt Nam. Biên lợi nhuận gộp của Sabeco từ mức 26% vào năm 2017 đã tăng lên gần 31% vào năm 2022. 5% lãi gộp là con số lớn đối với một doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD như Sabeco, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh trong năm qua.

 

Nhờ đó, lợi nhuận ròng của Sabeco năm 2022 đạt mức cao nhất lịch sử 5.500 tỷ đồng dù doanh thu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn so với trước dịch. Dù vậy, trong giai đoạn 5 năm 2018-2022 từ khi đổi chủ, lợi nhuận của Sabeco tăng 25%. Còn với giai đoạn 5 năm trước đó 2013-2017, lợi nhuận của Sabeco tăng tổng cộng hơn 120%. 

Tốc độ tăng trưởng của Sabeco đã bị ảnh hưởng lớn do 2 năm đại dịch 2020-2021. Thêm vào đó, khi quy mô lợi nhuận vượt 5.000 tỷ đồng, không dễ để gã khổng lồ trong ngành bia có thể duy trì tỷ suất tăng trưởng hơn 20% mỗi năm.

Đặt trong tương quan so sánh với Habeco - doanh nghiệp bia có thị phần lớn tại khu vực phía Bắc vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, Sabeco vẫn cho thấy bức tranh tích cực hơn nhiều so với "người anh em cùng nhà một thời" trong 5 năm qua. 

Kỷ lục doanh số của Habeco là năm 2016 khi công ty đạt doanh thu thuần 10.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, chủ sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội chưa bao giờ chạm tới mức doanh thu chục nghìn tỷ đồng lần thứ hai.

Vào năm 2017, trước khi ThaiBev mua lại Sabeco, công ty này có quy mô doanh thu lớn gấp 3,5 lần so với Habeco. Đến năm 2022, trải qua giai đoạn thăng trầm của thị trường bia, doanh thu của Sabeco hiện tại đã gấp 4,2 lần với Habeco.

 

So sánh theo chỉ tiêu lợi nhuận, vào năm 2017, mức lãi của Sabeco gấp 7,5 lần Habeco. Còn vào năm 2022, lợi nhuận ròng của Sabeco đã gấp 10,4 lần so với Habeco.

Về biên lợi nhuận gộp, từ năm 2019 trở về trước, Habeco thường xuyên vượt Sabeco ở chi tiêu này nhưng tình hình đã đảo chiều từ năm 2020. Riêng năm ngoái, dù biên lãi gộp của Habeco đã cải thiện nhiều, đạt 27,46% những vẫn thấp hơn 3% so với Sabeco.