1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

470 container ùn ứ: Trung Quốc thêm “khó tính”, nông sản Việt điêu đứng

(Dân trí) - Hàng trăm xe hàng nông sản (chủ yếu là thanh long) “rồng rắn” xếp hàng đợi chờ ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn do phía Trung Quốc thay đổi trong cách kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập khẩu.

470 container ùn ứ: Trung Quốc thêm “khó tính”, nông sản Việt điêu đứng - 1

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) làm việc với các cơ quan liên quan về tình hình ùn ứ xe chở nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: N.Mạnh

“Ùn ứ chứ chưa phải ách tắc”

Theo ghi nhận của PV Dân trí sáng nay (22/10), cách khu vực cửa khẩu Tân Thanh 3-4 km, hàng trăm xe container chở nông sản (chủ yếu là thanh long) xếp hàng dài chờ thông quan, gây ùn ứ cục bộ.

Xe chở nông sản ùn ứ kéo dài ở cửa khẩu Tân Thanh

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tại cuộc làm việc với lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sáng 22/10, tình trạng các xe hàng nông sản dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến bắt đầu từ ngày 15/10.

Ngày thường trung bình số lượng xe chở hàng xuất khẩu thông quan khoảng từ 80-150 xe/ngày, tuy nhiên bắt đầu từ ngày 15/10 tăng lên trên 250 xe/ngày, chủ yếu là thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang…

“Bên cạnh đó, kể từ ngày 12/10/2019, lực lượng hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hoá nhập khẩu.

Theo đó, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với xe ô tô”, đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết.

Đáng lưu ý, việc này khiến thời gian làm thủ tục thông quan tăng đáng kể. Nếu như trước đây thông quan không quá 2 phút/xe thì nay mất khoảng 6-7 phút/xe và trung bình một ngày tối đa chỉ thông quan được 120-150 xe, so với lúc cao điểm trước đây là 300 xe/ngày.

Theo số liệu của Sở Công Thương Lạng Sơn tính đến tối 21/10, còn khoảng 470 xe container ùn ứ ở cửa khẩu.

Ông Nông Hải Thăng - Phó giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam cho biết thêm, lượng hàng hoá mấy ngày trở lại đây tăng đột biến so với điều kiện thông quan. Tuy nhiên, ông Thăng khẳng định đây là “ùn ứ” chứ không phải ách tắc. Bởi việc thông quan vẫn diễn ra nhưng do thời gian lâu hơn chứ không có chuyện “tắc” lại, không đi được.

Cũng theo ông Thăng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ việc phía Trung Quốc thay đổi chính sách, thời gian kiểm tra dài hơn, lâu hơn.

Ông này khẳng định, khi lượng hàng đổ về khu vực cửa khẩu Tân Thanh tăng nhanh và dẫn tới ùn ứ, Trung tâm đã phối hợp với các lực lượng trên địa bàn đã trực tiếp hội đàm với lực lượng chức năng bên phía Trung Quốc nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thông quan giải phóng hàng hóa trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, Trung tâm đã có 2 đề xuất với phía Trung Quốc đó là đẩy nhanh tiến độ thủ tục thông quan hàng hoá và đề nghị phối hợp kéo dài thời gian thông quan để giải phóng nhanh hàng hoá xuất nhập khẩu đến 21h.

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, doanh nghiệp cần chủ động hơn

Vào năm 2019, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả quả các cửa khẩu: Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh, với 9 loại quả: Vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, mít, xoài, chuối quả tươi và gần đây là măng cụt, tức là về số lượng cửa khẩu có thể xuất khẩu nông sản khá hạn chế.

Trong khi đó, theo phản ánh của bà Vũ Thị Nguyệt – một đơn vị có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc: “Bên phía Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ hơn bình thường rất nhiều. Nếu tem mác không có, không đúng bất kỳ chi tiết gì họ sẽ trả lại luôn. Không chỉ truy xuất tem mác, họ cũng gắt gao hơn trong yêu cầu đóng bao bì, ví dụ như đối với dưa hấu, họ yêu cầu không được có cọng rơm nào mà buộc phải đóng thùng. Trong khi đóng thùng mà vận chuyển dưa hấu lên tới tận cửa khẩu này thì sẽ không đảm bảo được chất lượng”.

Theo bà Nguyệt, chính yêu cầu này đã dẫn tới cho các chủ hàng lúng túng, bởi dưa hấu là mặt hàng không bảo quản được lạnh, nhưng lại buộc phải đóng thùng, đóng hộp mới cho phép nhập khẩu. Trong khi hạ tầng hiện nay chưa cho phép doanh nghiệp vận chuyển sau đó lên gần khu vực cửa khẩu tháo dỡ, đóng thùng. 

Sau khi nghe phía chủ hàng phản ánh, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Doanh nghiệp cũng đã nhận thấy có các khó khăn. Điều quan trọng bên cạnh việc tháo gỡ từ phía cơ quan chức năng phải là sự chủ động, linh hoạt từ phía doanh nghiệp.

Theo đó, ông Hải cho rằng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, quy cách đóng gói… đáp ứng tốt nhất các yêu cầu từ phía bạn.

Ông Hải cũng nhấn mạnh tới vai trò của các địa phương vùng trồng trong vấn đề này. Theo đó, ông Hải cho biết sẽ có kiến nghị nhằm đôn đốc các UBND tỉnh chủ động phối hợp, tránh những thiệt hại không đáng có cho bà con, doanh nghiệp...

Nguyễn Mạnh

470 container ùn ứ: Trung Quốc thêm “khó tính”, nông sản Việt điêu đứng - 2