1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

400 tỷ đồng của EVN "bốc hơi" theo bão số 8

(Dân trí) - Trong tháng, bão đã gây ra sự cố trên 2 đường dây 220kV, 1 trạm 220kV, 29 đường dây 110kV, 7 trạm biến áp 110kV, 355 đường dây trung thế và hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ. Ngoài ra, vấn đề an toàn Thủy điên Sông Tranh cũng đang được khắc phục.

Hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ, gây mất điện trên diện rộng.
Hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ, gây mất điện trên diện rộng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có kết quả về tình hình hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh tháng 10/2012.

Theo đó, từ 27 - 28/10/2012, cơn bão số 8 với diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nặng đến hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối tại các khu vực mà bão đi qua, đặc biệt tại các tỉnh ven biển Bắc bộ từ Quảng Ninh tới Thanh Hoá.

Bão đã gây ra sự cố trên 2 đường dây 220kV, 1 trạm 220kV, 29 đường dây 110kV, 7 trạm biến áp 110kV, 355 đường dây trung thế và hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ gây mất điện trên diện rộng ở khu vực chịu tác động của bão.

Theo ước tính của EVN, tổng thiệt hại do cơn bão gây ra khoảng 400 tỷ đồng.

Đến ngày 8/11/2012 thì EVN và các đơn vị đã khắc phục xong hoàn toàn các sự cố trên lưới điện truyền tải 220kV, 110kV, các trạm biến áp và lưới điện phân phối ở các tỉnh bị ảnh hưởng, cấp điện trở lại cho nhân dân.

Tuần này hoàn thành nốt 2 trạm quan trắc tại Sông Tranh 2

Về xử lý thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2, Tập đoàn cho biết, sau khi xảy ra hiện tượng trên, chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát, đánh giá và lập phương án xử lý thấm.

Tại 10 khe nhiệt thấm lớn, tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý đo được là 26,2 lít/giây; sau khi xử lý, lưu lượng thấm chỉ còn 0,02 lít/giây, giảm 99,9%. Với 20 khe nhiệt còn lại lưu lượng thấm là nhỏ (0,015 lít/giây).

Riêng đối với nền đập, lưu lượng thấm đo được trước khi xử lý là 4,2 lít/giây và sau xử lý là 3,19 lít/giây, giảm 24%. Như vậy, kết quả xử lý chống thấm đạt hiệu quả đặt ra tại phương án xử lý thấm đã được phê duyệt.

Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng đã thuê công ty tư vấn nước ngoài là công ty AF-Colenco (Thụy Sĩ) để đánh giá về ổn định đập. Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thành lắp đặt 3/5 trạm quan trắc về động đất trong hệ thống mạng quan trắc động đất đặt tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 hòa mạng trạm địa chấn quốc gia. Dự kiến trong tuần này sẽ hoàn thành nốt 2 trạm còn lại.

Hiện nay, EVN đang thực hiện vận hành hồ chứa theo chỉ đạo của Chính phủ chưa tích nước hồ chứa, toàn bộ lưu lượng nước về hồ được xả qua 2 tổ máy để duy trì mức nước tối thiểu (mức nước chết 140m). Bộ Công thương đang xem xét phê duyệt quy trình xả lũ năm 2012 và Bộ Tài nguyên & Môi trường đang hiệu chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự kiến, các đoàn công tác sẽ liên tục kiểm tra, theo dõi, đánh giá đập Thuỷ điện Sông Tranh 2 trong suốt mùa lũ năm nay.

Mới đây, vào lúc 14h24'  ngày 15/11/2012, một trận động đất có độ lớn 4,7 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (15,35 độ vĩ Bắc, 108,10 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 6 km. Động đất xảy ra trong khu vực địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Theo đánh giá động đất gây nên rung động trên cấp VI (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh.

Sau khi xảy ra động đất, Công ty Thủy điện Sông Tranh 2, Ban quản lý dự án Thủy điện 3 đã tiến hành kiểm tra sơ bộ tình trạng của đập. EVN cho biết, kết quả ban đầu cho thấy không phát hiện tượng bất thường, đập hoạt động bình thường, lưu lượng thấm không có đột biến.

Vấn đề an toàn đối với đập Thủy điện Sông Tranh 2 vừa rồi đã làm nóng Nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, khi dân còn lo lắng thì không tích nước. Do người dân vẫn lo lắng vì có câu chuyện động đất nên Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Dũng tuyên bố rõ ràng về việc đi hay ở của người dân và được Bộ trưởng khẳng định: “Bà con yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ông cảm thấy "chưa yên tâm. Cho đến nay các nhà khoa học kết luận có thể yên tâm, cộng với biện pháp chưa tích nước vào lòng hồ nên chưa gây tác hại gì đến đồng bào. Nhưng đây chỉ là tạm thời yên tâm. Còn vấn đề động đất, sẽ mời các nhà khoa học của các nước có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu."

Bích Diệp