4 doanh nghiệp “xài chùa” phần mềm giá trị gần 1 triệu USD

(Dân trí) - 4 doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM vừa bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng hơn 700 phần mềm vào hoạt động kinh doanh mà không có bản quyền trị giá lên đến gần một triệu đô la Mỹ.

Ngày 3/10, thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết qua hoạt động thanh tra phát hiện 4 công ty trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, thương mại và bất động sản dùng “trộm” các phần mềm không có bản quyền với giá trị lên đến gần 1 triệu đô la Mỹ.
 
712 bản copy của các phần mềm không có giấy phép sử dụng thuộc quyền sở hữu của các công ty phần mềm Adobe, Autodesk, Corel, Lạc Việt, Microsoft, Symantec và Tekla được tìm thấy.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Cả bốn công ty bị thanh tra lần này đều là các công ty lớn, thậm chí một công ty trong số này có vốn điều lệ hơn 200 tỉ đồng. Họ hoàn toàn có đủ khả năng để mua các phần mềm có bản quyền chính hãng”.

Ông Phúc nhấn mạnh, cuộc thanh tra đột xuất lần này cũng là lời cảnh báo các doanh nghiệp khác là hãy sử dụng phần mềm có bản quyền hợp pháp.

Trước đó, tháng 8/2008, Cục Bản Quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Hiệp hội phần mềm Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác trong việc bảo vệ bản quyền phần mềm ở Việt Nam. Các cuộc thanh tra là kết quả của chương trình hợp tác này.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay: “Các hành vi xâm hại này phải được xử lý nghiêm về mặt hành chính hoặc hình sự tuỳ theo tính chất và mức độ xâm hại quyền. Nếu không nó sẽ tiếp tục lây lan, làm cho “con bệnh trầm kha” hơn, khi đó sẽ khó có thuốc để điều trị hữu hiệu.”

Tỉ lệ vi phạm bản quyền phầm mềm máy tính cá nhân tại Việt Nam trong năm 2010 là 83%, giảm 2% so với năm 2009. Tỉ lệ trung bình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 60%.

Ông Đào AnhTuấn, đại diện của BSA nhấn mạnh vi phạm bản quyền không chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật và phi đạo đức, mà còn tạo ra một lợi thế cạnh tranh không công bằng với lợi tức kiếm được từ các hành động phi pháp, trên công sức và nguồn đầu tư của các doanh nghiệp làm theo pháp luật, cố gắng thúc đẩy sản xuất và bảo mật trong ngành.

Theo luật pháp Việt Nam, hành vi vi phạm bản quyền phần mềm sẽ bị xử lý với mức phạt lên đến 500 triệu đồng.

Hoài Nam