1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

30.000 doanh nghiệp "chào đời" tại hai đầu tàu kinh tế

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm, trong khi tại TP.HCM số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm phân nửa so với cùng kỳ còn số doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhẹ thì ở Hà Nội, số lượng giảm nhưng tổng vốn đăng ký mới lại tăng.

Đã có trên 15.000 doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm.
Đã có trên 15.000 doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm.

Theo số liệu của các Cục Thống kê, tại địa bàn Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ước tính 11.400 doanh nghiệp với số vốn 69.300 tỷ đồng, giảm 8,8% về số doanh nghiệp và tăng 8,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại TP.HCM, riêng trong giai đoạn từ 16/8-15/9, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã cấp phép thành lập mới gần 2.000 doanh nghiệp, tăng khá mạnh so với cùng kỳ.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/9 đã có gần 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp lại bằng 54,2% cùng kỳ năm trước.

Như vậy, nếu Hà Nội giảm về số lượng, tăng về vốn thì tại TP.HCM, giảm về tổng vốn nhưng tăng về số lượng. Nói cách khác, quy mô doanh nghiệp mới thành lập trong 9 tháng đầu năm nay tại Hà Nội lớn hơn so năm trước và ở TP.HCM thì ngược lại.

Tại báo cáo lần này, Cục Thống kê Hà Nội không cung cấp số liệu doanh nghiệp đóng cửa, trong khi đó, tại TP.HCM, 8 tháng đầu năm đã có trên 15.000 doanh nghiệp ngưng nghỉ hoạt động, bằng 83,4% số doanh nghiệp tăng trong kỳ (bao gồm doanh nghiệp được cấp mã số thuế mới và số doanh nghiệp tái hoạt động sau thời gian ngưng nghỉ).

So với 8 tháng cùng kỳ, số doanh nghiệp ngưng nghỉ giảm 4,5%; riêng khu vực có vốn nước ngoài tăng 36,3% (tăng 57 doanh nghiệp), bằng 61,% số doanh nghiệp mới tăng trong kỳ.

Lãi suất cho vay giảm nhưng tiếp cận vốn còn hạn chế

Theo Cục Thống kê Hà Nội, ước tính 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,88% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,42% (đóng góp 3,28% vào mức tăng chung).

Cơ quan thống kê nhận định, sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều, lãi suất cho vay ngân hàng tuy giảm nhưng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế...

Trước tình hình đó, Thành phố đã có các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thông qua tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố, giữa cộng đồng doanh nghiệp với ngân hàng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp...

Tại khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm đạt 8,9% (đóng góp 4,47% vào mức tăng chung). Do tiền lương cơ bản từ tháng Bảy tăng 9,5% so với trước, nên các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… có tốc độ tăng khá. Các ngành dịch vụ khác tốc độ tăng vẫn được duy trì.

Trong khi đó, giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản chỉ đạt 2,35% (đóng góp 0,13% vào mức tăng chung). Vụ mùa năm nay, mặc dù tình hình sâu bệnh không đáng kể, nhưng do thời tiết không thuận thuận lợi, mưa nhiều gây ngập úng một số diện tích lúa và hoa mầu, nhiều loại cây trồng như lúa, ngô, khoai lang, đậu tương, rau... cho năng suất thấp hơn cùng kỳ. Đầu tháng Tám, do ảnh hưởng của hoàn lưu hai cơn bão số 5 và 6, nên nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Tại TP.HCM, GRDP 9 tháng ước đạt 532.000 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp của khu vực dịch vụ lớn nhất với mức tăng 5,86%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,75% và mức đóng góp của khu vực nông lâm thủy sản là 0,05%. Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 222.000 tỷ đồng chiếm 41,7% GDP, tăng 6,4%.

Cơ quan thống kê ước tính, tốc độ tăng GDP cả năm 2013 của thành phố sẽ đạt khoảng 9,2%. Trong đó khu vực dịch vụ tăng 10,7% và khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 7,1%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm